Ngành công nghiệp kim cương Ấn Độ gặp khó

Công nhân tại “thành phố kim cương” Surat của Ấn Độ đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và kéo dài do các yếu tố địa chính trị và khí hậu gây ra.

Công nhân ngành kim cương Ấn Độ
Công nhân ngành kim cương Ấn Độ

Đối mặt nhiều khó khăn

Surat thuộc bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ, là trung tâm của ngành kim cương Ấn Độ, nơi tạo việc làm cho hơn 600.000 người. Theo số liệu thống kê của ngành kim cương, công nhân tại thành phố Surat cắt và đánh bóng 80% kim cương trên thế giới.

Ngành công nghiệp kim cương của Surat đã phải đối mặt với nhiều vấn đề như lũ lụt ở châu Phi gây khó khăn cho việc khai thác mỏ kim cương, nhu cầu giảm từ phương Tây, xuất khẩu sang Trung Quốc đình trệ…

Cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cấm nhập khẩu kim cương Nga thông qua các nước thứ ba. Điều này hạn chế nghiêm trọng quyền tiếp cận nguyên liệu thô mà ngành công nghiệp kim cương Ấn Độ sử dụng. Lệnh cấm có hiệu lực vào tháng 3-2022, làm giảm gần 1/3 doanh thu kim cương của Ấn Độ.

Theo truyền thông địa phương, ít nhất 63 thợ đánh bóng kim cương đã tự vẫn ở Surat trong 16 tháng qua. Một số người để lại thư tuyệt mệnh đổ lỗi cho tình trạng khó khăn về tài chính. Hàng ngàn người khác đã mất việc, hoặc phải đối mặt với việc cắt giảm lương đáng kể.

Ông Dinesh Navadiya, Chủ tịch khu vực của Hội đồng xúc tiến xuất khẩu đá quý và trang sức thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết, hơn 30% nguồn cung nguyên liệu thô của Ấn Độ đến từ mỏ Alrosa của Nga, hiện Ấn Độ vẫn chưa tìm ra nguồn thay thế.

Tìm lối thoát

Lượng kim cương cắt và đánh bóng xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm 27,6% trong năm tài chính 2023-2024, với sự cắt giảm đáng kể từ 3 khách hàng hàng đầu của nước này là Mỹ, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Kết quả, các công ty đã tồn kho số lượng kim cương lớn gấp khoảng 3 lần so với bình thường.

Trong khi đó, các hạn mức tín dụng bắt đầu cạn kiệt và các chủ doanh nghiệp buộc phải bán sản phẩm với giá rẻ hơn nhiều so với giá thông thường, chỉ để duy trì hoạt động.

Ông Ramesh Zilariya, người đứng đầu công đoàn công nhân kim cương Gujarat, cho biết, đã có tổng cộng hơn 1.600 cuộc gọi cầu cứu trong vòng hơn 1 tháng kể từ khi đường dây này thiết lập vào giữa tháng 7. Những người tuyệt vọng không phải ai cũng được giúp đỡ về mặt tài chính.

Ông Zilariya cho biết thêm, công đoàn ngành kim cương cố gắng tìm việc làm cho mọi người, nhưng cái khó là họ chỉ biết nghề đánh bóng kim cương chứ không làm được nghề nào khác.

z8a.jpg
Công nhân ngành kim cương Ấn Độ. Ảnh: HINDU TIMES

Một trường hợp điển hình là anh Manoj, thợ đánh bóng kim cương 45 tuổi đến từ Surat, đã bị sa thải hồi tháng 5, sau 30 năm làm việc. Cuối cùng, anh đã tìm được công việc giao hàng cho các công ty chuyển phát nhanh với mức lương thấp và không được chủ hoàn trả chi phí nhiên liệu.

Là người kiếm tiền duy nhất trong gia đình có 6 người, Manoj đang nợ tiền thuê nhà 2 tháng, không thể trả học phí cho con và phải thế chấp mangalsutra (chuỗi vàng cưới được phụ nữ Hindu coi là thiêng liêng), hoa tai và nhẫn vàng của vợ.

Chính phủ Ấn Độ và công đoàn công nhân kim cương đều không có dữ liệu đầy đủ về số người mất việc, vì một số bộ phận của ngành kim cương, giống như nhiều ngành khác ở Ấn Độ, hoạt động không chính thức. Những người có chức trách trong ngành kim cương đã thúc giục Chính phủ Ấn Độ tăng thêm ngân sách để hỗ trợ ngành này vượt qua tình trạng khó khăn hiện tại.

Một trong số yêu cầu là lời kêu gọi cho phép bán kim cương thô tại các Khu vực thông báo đặc biệt (SNZ) và cấp giấy phép hoạt động cho các công ty kinh doanh kim cương nổi tiếng toàn cầu như Bonas và I Hennig trong SNZ.

Trong ngành kim cương, SNZ là những khu vực cụ thể do chính phủ chỉ định, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch và chế biến kim cương, đặc biệt là ở các quốc gia như Ấn Độ. Các khu vực này được thành lập để thúc đẩy ngành kim cương bằng cách cung cấp một môi trường được kiểm soát với các quy định hợp lý giúp tăng cường hiệu quả thương mại.

Không giống như các đối tác ở Bỉ và UAE, các công ty Ấn Độ phải đối mặt với những rào cản thuế quan khiến họ không thể mua kim cương thô từ SNZ. Nếu có sự hỗ trợ này của chính phủ, ngành kim cương Ấn Độ có thể bảo vệ vị thế dẫn đầu toàn cầu và duy trì đóng góp đáng kể của ngành vào kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Tin cùng chuyên mục