Tới thời điểm này, những con số khách trong nước và quốc tế tăng trưởng vượt bậc tại nhiều địa bàn du lịch trọng điểm trong nước đã đem đến nhiều kỳ vọng mới cho ngành du lịch trong năm 2023.
Theo sở Du lịch Hà Nội, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ ngày 29-4 đến hết ngày 3-5), Thủ đô Hà Nội đón gần 720.000 lượt khách, trong đó có 69.500 lượt khách du lịch quốc tế và 650.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2,4 ngàn tỷ đồng. Nhiều điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long… đã đón lượng khách gần bằng thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng nổ.
Tương tự, tại TPHCM, chỉ tính riêng kỳ nghỉ lễ 30-4, khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí ước khoảng 950.000 lượt, tăng 126,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng công bố con số kỷ lục, ước đạt 321.623 lượt khách trong đó khách quốc tế ước đạt 34.800 lượt, tăng 4,7 lần so với năm 2022. Rất nhiều địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Vũng Tàu… cũng ghi nhận lượng khách tăng nhiều hơn kỳ vọng.
Để đạt được con số này, các địa phương đã nỗ lực làm mới mình và đưa ra chiến lược quảng bá điểm đến bài bản từ rất sớm. Cùng với việc các cơ sở lưu trú đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu thì nhiều địa phương cũng đã chủ động tung ra các dịch vụ, sản phẩm đặc biệt thu hút du khách trong dịp này. Điển hình như TPHCM trong dịp này bên cạnh 60 sản phẩm du lịch nội đô được các doanh nghiệp khai thác thu hút khách đến với thành phố là chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - trụ sở HĐND và UBND TPHCM lần đầu tiên được tổ chức. Sau 2 ngày tổ chức, đã đón hơn 1.500 lượt khách gồm người dân thành phố, du khách trong nước đến từ nhiều tỉnh thành xa như Hà Nội, Hà Giang..., khách quốc tế, văn nghệ sĩ...tham quan.
Chương trình được đánh giá là một hoạt động có ý nghĩa thể hiện sự cởi mở của chính quyền TPHCM trong giai đoạn phát triển mới, khẳng định mong muốn gắn kết ngày càng chặt chẽ với nhân dân và luôn hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ của chính quyền TPHCM.
Tại Hà Nội, việc tổ chức nhiều tuyến xe buýt 2 tầng miễn phí tham quan thủ đô trong nghỉ lễ giống như một “món quà” đặc biệt trao tặng cho người dân Hà Nội và du khách khi đến thủ đô trong những ngày này. Mặc dù phải chờ đợi vì lượng khách đông nhưng du khách đều rất thích thú khi được ngắm nhìn toàn cảnh Hà Nội từ trên cao.
Cũng trong dịp này, Quảng Ninh cũng “đãi” du khách bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng với carnaval chủ đề “Vũ điệu Hạ Long - Hòa nhịp năm châu” diễn ra vào tối 1-5, tại Khu du lịch Bãi Cháy… Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Cần Thơ… rất nhiều hoạt động đặc biệt dành cho du khách trải nhiệm như lễ hội thả diều, lễ hội ẩm thực, carnaval đường phố. Đặc biệt, theo ghi nhận của nhiều địa phương việc nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa trên cả nước như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), quần thể di tích Cố đô Huế, Hội trường Thống Nhất (TPHCM)… cho thấy xu hướng các tour khám phá, trải nghiệm văn hóa - lịch sử đang định hình rõ ràng hơn và tạo ra động lực mới đối với ngành công nghiệp không khói.
Bên cạnh nhiều tín hiệu tích cực cho thấy sức sống của ngành du lịch đang dần trở lại mạnh mẽ hơn thì tại một số điểm du lịch như thường lệ vẫn xảy ra tình trạng quá tải cục bộ nhưng cơ bản các hoạt động vui chơi diễn ra an toàn, lành mạnh, bảo đảm chất lượng dịch vụ cho người dân và du khách.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia du lịch thì lượng khách tăng mạnh trong kỳ nghỉ lễ vừa qua cho thấy tâm lý du khách muốn đi du lịch trở lại thấy rõ. Việc lượng khách tăng trở lại kỳ nghỉ lễ vừa qua là những tín hiệu đáng mừng và được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch trong năm 2023. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch cần nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, từ đó có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách trong nước và quốc tế.