Không ngừng thay đổi
Chủ động “lột xác” và bắt nhịp nhanh là cách mà nhiều DN FDI ví von về DN sản xuất sản phẩm CNHT của Việt Nam. Bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) kể, năm 2014, khi Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện cần DN Việt Nam cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab nhưng không có DN nào đáp ứng được. Thế nhưng, 10 năm sau, câu chuyện trở nên rất khác, đã có 250 DN trong nước trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn Samsung. Trong đó, 50 DN CNHT Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp độ 1. Tương tự, Toyota Việt Nam, Sanyo, Panasonic… cũng lần lượt đưa nhiều DN Việt sản xuất sản phẩm CNHT vào chuỗi cung ứng của mình.
Sự tự tin gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu trong nước và thế giới là động lực giúp DN chủ động đột phá, đổi mới để bắt kịp quy mô và nhu cầu của đối tác. Chẳng hạn, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cho biết, công ty vừa đầu tư thêm gần 200 tỷ đồng để trang bị dây chuyền sản xuất bằng công nghệ ép bột kim loại và thiêu kết. Đây là DN thuần Việt đầu tiên đầu tư dây chuyền có quy mô lớn, đủ sản xuất hàng loạt sản phẩm phục vụ cho chuỗi cung ứng của các DN đầu cuối.
Không dừng lại đó, công ty đã cho nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm như motor, bơm, các dụng cụ cầm tay, máy may, các bộ điều khiển chuyển động trong ô tô…, đảm bảo cung ứng đạt tiêu chuẩn cho Toshiba Industry, Rinnai, MK Seiko, Bonfiglioli, Thermtrol, Sanei Technology, USM Health Care… “Với dây chuyền công nghệ mới, công ty sẽ không dừng ở việc gia công sản phẩm do đối tác thiết kế mà có thể nghiên cứu để chế tạo ra sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như vị thế công ty. Đây cũng là nền tảng để DN cải thiện thứ hạng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Tống chia sẻ.
Ở khía cạnh khác, theo đại diện Tập đoàn Điện Quang, để phát triển bền vững với ngành CNHT nhất thiết phải đầu tư cho nghiên cứu, chế tạo và sản xuất sản phẩm công nghệ lõi. Từ năm 2007, công ty tập trung đầu tư xây dựng Nhà máy Điện Quang công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng lab và kiểm nghiệm tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Công ty cũng tập trung phát triển mảng CNHT OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc) và đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất chip LED hiện đại với quy mô sản xuất ước tính hơn 150 triệu chip LED/năm.
Trong định hướng phát triển giai đoạn 2023-2027, DN tập trung nghiên cứu - phát triển các sản phẩm mới phù hợp thị trường với 5 lĩnh vực là chiếu sáng, điều khiển thông minh, gia dụng, thiết bị điện và năng lượng mặt trời. Thực tế cho thấy, việc lựa chọn đi vào đầu tư sản phẩm công nghệ cao, công nghệ lõi đã giúp công ty không bị đứt gãy chuỗi cung ứng ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hay như tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong năm 2023.
Cùng hòa chung dòng chảy chuyển đổi để trưởng thành, hàng loạt DN CNHT khác như các công ty TNHH Sản xuất Thương mại In Minh Mẫn, Cao su nhựa Tương Lai, Tiến Thịnh, Kỹ thuật Công nghệ Nam Sơn… cũng đã lần lượt tái đầu tư công nghệ, áp dụng giải pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất. Ông Huỳnh Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩ Nam Việt, chia sẻ, qua 25 năm hình thành và phát triển, công ty đã hoàn thiện các hệ thống và đạt tiêu chuẩn như ISO 9001, 14000 về môi trường, 45000 về an toàn. Công ty cũng bắt nhịp thay đổi để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo mật thông tin; thậm chí còn xây dựng và đạt những tiêu chuẩn riêng cho từng thị trường như tiêu chuẩn SG-Mark (thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc), CE (thị trường châu Âu). Riêng tại thị trường Hoa Kỳ, công ty cũng đã thành công khi xuất khẩu sản phẩm cho Hillti, Ekia.
Đặc biệt, các DN trong nước còn tập trung nghiên cứu tìm hiểu văn hóa của DN đối tác, của chuỗi cung ứng để có thể đi sâu hơn vào thị phần của thị trường xuất khẩu...
Cần sự trợ lực
Chủ động “lột xác” để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng để có thể trở thành “sếu đầu đàn” có năng lực hình thành chuỗi cung ứng “Make in Vietnam”, trở thành nhà cung ứng chiến lược cho DN FDI, lại là câu chuyện rất dài hơi. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM, cho biết, cho đến nay dù đã có những trở bộ trong năng lực đầu tư và sản xuất, nhưng 99% DN sản xuất sản phẩm CNHT là DN nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô sản xuất chỉ trên dưới 300 công nhân lao động. Dây chuyền sản xuất đa phần ở trình độ bán tự động.
Nhận biết quy mô sản xuất hạn chế nhưng việc mở rộng đầu tư lại không phải dễ đối với DN ngành này. Với nội lực nhỏ, đôi khi một tác động nhỏ từ chính sách cũng sẽ giúp DN lớn mạnh nhưng cũng có thể lao đao. Bà Trương Thị Thu Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại In Minh Mẫn, cho biết, sau hơn 20 năm hoạt động, công ty mới dám tái đầu tư nhà máy nhờ có chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM. Thế nhưng, không may chương trình kích cầu đầu tư với lãi suất vay ưu đãi bị dừng lại nửa chừng, DN nhiều lần kiến nghị tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân. Cộng thêm những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới nên giá nguyên vật liệu đầu vào tăng 25%-60%, chi phí logistics cũng tăng 10-15 lần so với trước đây. Điều này khiến công ty gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đơn hàng, dù đã bỏ giá thầu dưới giá vốn.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho rằng, chính sách thuế còn bất cập. Theo đó, DN nước ngoài nhập khẩu công nghệ thì được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, còn DN Việt nhập khẩu dây chuyền, công nghệ sản xuất của Nhật để cải tiến lại thì phải chịu thuế rất cao. “Đơn cử sản phẩm bo mạch điện tử, vì chịu thuế cho linh kiện sản xuất nên ước tính chung sản phẩm đang phải chịu mức thuế trên dưới 3%. Nghịch lý là nếu nhập khẩu nguyên chiếc bo mạch từ nước ngoài về thì hưởng thuế 0%, trong khi tự sản xuất trong nước, phải chịu mức thuế 3%. Đây là một trong số rất nhiều lý do dẫn đến DN Việt khó cạnh tranh trong cuộc chơi toàn cầu”, đại diện Hiệp hội CNHT Việt Nam trăn trở.
Có thể thấy, DN Việt đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nếu muốn gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Bên cạnh chủ động đổi mới, họ cần trợ lực từ chính sách thuế đến vay vốn ưu đãi để có cơ hội trưởng thành và đi sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu!
Vừa qua, kết quả khảo sát của Qima - một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng với hơn 700 DN trên toàn cầu, cho thấy, Việt Nam tiếp tục được nhiều chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ và châu Âu lựa chọn. 25% số DN có trụ sở tại châu Âu bình chọn Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ; riêng với DN ở Hoa Kỳ, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 43%. Trong số những DN được hỏi về ý định tìm kiếm các nhà cung ứng mới trong 12 tháng tới, có 38% số DN Hoa Kỳ và 28% số DN châu Âu cho hay có kế hoạch chọn Việt Nam hoặc mua thêm hàng hóa từ các nhà cung cấp ở đây.