Ngành công nghiệp hỗ trợ "lột xác" - Bài 1: Đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam đang có 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong đó có khoảng 300 DN tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Những nỗ lực thay đổi nội lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường đã và đang xóa bỏ định kiến: DN Việt đến ốc vít cũng không làm được, hoặc không thể gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu vì thiếu chuẩn.

Xuất hiện trong thành phẩm của các “ông lớn” FDI

Trong một ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, không khí làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cát Thái (Cathaco) vẫn “nóng” dù đã là chiều muộn. Gần 1.200 công nhân thao tác thuần thục trên các băng chuyền. Tiếng gõ nhịp của hàng trăm chiếc máy đã thu hút sự chú ý của bất kỳ ai vào tham quan nhà máy.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Cathaco, chia sẻ, những ngày đầu năm 2024, công ty liên tục nhận được nhiều chứng nhận “best saler” của các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối như Schneider Electric, Konica Minolta, Colgate-Palmolive, Toshiba, Aqua... Riêng với Tập đoàn Schneider Electric, Konica Minolta thì Cathaco đã được công nhận là đối tác chiến lược toàn diện.

Các dòng sản phẩm chủ lực của Cathaco tập trung vào chi tiết nhựa kỹ thuật cao, pallet nhựa, hạt nhựa tái sinh; chi tiết cao su; khuôn ép nhựa, khuôn dập; chi tiết kim loại, dập kim loại, gia công cơ khí: cắt, khoan, taro; giải pháp công nghiệp, thiết kế phần cứng, phần mềm…

i5a-2454.jpg
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cát Thái (Cathaco) sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho Tập đoàn Konica Minolta. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trải qua 25 năm hoạt động trong ngành, từ bước đi chập chững ban đầu, cho tới nay công ty không chỉ cung ứng sản phẩm CNHT giản đơn, chi tiết mà còn cung ứng cụm linh kiện đa chi tiết có giá trị gia tăng cao. Đơn cử sản phẩm cụm hộp mực in cung ứng cho Tập đoàn Konica Minolta có đến hơn 100 chi tiết các loại; hay như sản phẩm cung ứng cho Schneider Electric cũng đa dạng từ mặt nạ, ổ cắm, dây dẫn các loại…

“Ngoài 6.000 sản phẩm thì để có thể trở thành đối tác chiến lược, cung ứng những cụm chi tiết cho các doanh nghiệp FDI lớn trên toàn cầu, công ty đã xây dựng chuỗi cung ứng với năng lực cung ứng hơn 300.000 sản phẩm cho nhiều công ty khác nhau”, ông Nguyễn Tuấn Anh tâm sự.

Tương tự, là đơn vị cung ứng sản phẩm chi tiết nhựa và khuôn đúc, Công ty TNHH CNS Amura Precision tập trung phát triển 4 nhóm sản phẩm bao gồm công nghệ tự động Automotive, ứng dụng trong ngành điện - điện tử, y tế và bao gói dùng cho thực phẩm.

Ông Trần Thanh Lãm, Tổng Giám đốc công ty, cho biết, nếu tính từng sản phẩm thì công ty có đến hàng ngàn loại. Hiện tại nhà máy đang tập trung sản xuất đơn hàng lớn cho các đối tác Nhật Bản, châu Âu. Với sản phẩm khuôn đúc kim loại dùng để chế tạo sản phẩm cảm biến, trung bình mỗi năm công ty cung ứng khoảng 800.000 khuôn ép nhựa cho Công ty Pepperl Fuchs Việt Nam. Gần đây, công ty cũng đã nhận thêm những đơn hàng sản xuất sản phẩm nhựa từ khuôn đúc này.

Về dòng sản phẩm nhựa chi tiết kỹ thuật cao, chỉ tính riêng trong năm 2023, Công ty TNHH CNS Amura Precision đã phối hợp với đối tác Nhật Bản nghiên cứu và chế tạo thành công sản phẩm nhựa mới chuyên phục vụ cho hoạt động trang trí quầy kệ của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… của Nhật Bản. Đây cũng là những đơn hàng dồi dào nhất trong năm 2023 và dự báo tăng mạnh trong những năm tiếp theo.

Cung cấp thêm thông tin về thị trường, ông Lãm nói, số lượng khách hàng mới phát triển hàng năm tăng theo hướng đa dạng ngành nghề và đa quốc gia như Australia, Đức, New Zealand, Áo, Nhật Bản, Monaco, Hoa Kỳ… Trong đó, xu hướng khách hàng Nhật Bản, châu Âu đang tăng dần và chiếm ưu thế là khách hàng mục tiêu. Doanh số đơn hàng bình quân mỗi năm tăng khoảng 32%.

Khác với dòng sản phẩm của 2 DN trên, Công ty TNHH Thiết kế Chế tạo Nhật Minh lại chọn cho mình hướng phát triển sản phẩm CNHT cho ngành công nghiệp điện, điện tử và ô tô.

Ông Huỳnh Văn Tèo, Giám đốc công ty, cho biết đang hợp tác với nhà cung cấp dây chuyền máy dập của hãng máy Isgec, đồng thời sản xuất và cung ứng dụng cụ kim loại bao gồm mũi khoan, mảnh cắt, chuôi dao, dao lăn rang, dụng cụ đo, khoan tâm… cho nhiều tập đoàn FDI như Mitsubishi, Okazaki, Magafor, Nidec, Fuji Seiko… Từ năm 2018, sau khi cải tiến toàn diện dây chuyền công nghệ, quy trình sản xuất và quản trị, công ty đã ổn định chất lượng sản phẩm, giảm thời gian lưu kho và tỷ lệ hàng lỗi, số lượng đơn hàng cũng như vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu của DN ngày càng ổn định hơn nhờ đảm bảo giá cạnh tranh, chất lượng ổn định.

Chinh phục thị trường khó tính

Không những cung ứng đơn hàng cho DN FDI, các DN ngành CNHT còn tự tin mở rộng thị phần toàn cầu. “Minh chứng rõ nét cho vấn đề này là ngay khi Trung tâm Phát triển CNHT, Sở Công thương TPHCM công bố danh mục 400 sản phẩm CNHT mà DN FDI cần tìm nguồn cung ứng từ DN trong nước vào tháng 10-2023, thì có hơn 300 DN trong nước tiếp cận và nhận làm hàng mẫu. Cho đến nay, trung tâm ghi nhận có hơn 100 DN chính thức ký kết hợp đồng cho các DN FDI. Sản phẩm của các DN không chỉ đáp ứng nhu cầu của DN FDI mà còn cung ứng ra thị trường toàn cầu”, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT, Sở Công thương TPHCM, khẳng định.

s1f-170.jpg
Công ty TNHH CNS Amura Precision tập trung phát triển nhóm sản phẩm nhựa cung ứng cho đối tác Nhật Bản. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một minh chứng khác là vừa qua lãnh đạo TPHCM đã tổ chức đoàn DN CNHT đi kết nối xúc tiến giao thương, triển lãm trưng bày sản phẩm CNHT tại Nhật Bản - triển lãm thường niên lớn nhất thế giới của ngành này. Sản phẩm các DN Việt Nam mang tới đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà mua hàng toàn cầu.

“Công ty tự hào là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất được dây nhôm bọc men cách điện, dây LITZ, USTC với kích thước, số sợi, số bước xoắn và vật liệu bọc phù hợp với yêu cầu của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Đây chính là cơ sở để tin rằng chúng tôi không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn mở rộng thị phần xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Sản phẩm của công ty đã có mặt trong hầu hết các chuỗi cung ứng của các “ông lớn” như Canon, Toyota, Toshiba, Beko, Samsung, LG, Electrolux, Bosch…”, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Tiến Thịnh, cho biết.

Cùng tham gia đoàn xúc tiến giao thương nói trên, ông Huỳnh Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩ Nam Việt, chia sẻ, sản phẩm bù loong, ốc vít và các sản phẩm đặc biệt được làm bằng thép carbon, thép không gỉ của công ty đã tham gia cung ứng cho các đối tác tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu không những giúp DN khai thác tốt hơn giá trị gia tăng sản phẩm mà còn đa dạng hóa khách hàng, tránh nguy cơ đứt gãy đơn hàng do đứt gãy chuỗi cung ứng. Quan trọng hơn, gia nhập thị trường toàn cầu giúp công ty “trưởng thành” nhanh hơn nhờ tiếp cận những tiêu chuẩn, sản phẩm mới.

Trên thực tế, việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI sau dịch Covid-19 đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước có thêm lựa chọn khách hàng, thị trường, nhất là với ngành mà sản phẩm chỉ có thể bán B2B (DN với DN) như ngành CNHT. Năm 2023, DN toàn ngành đã đón nhiều cơ hội mở rộng thị phần khi có đến hơn 1.000 DN FDI, nhà mua hàng toàn cầu đến TPHCM để tìm kiếm nguồn cung.

Theo đại diện Bộ Công thương, việc này một phần xuất phát từ năng lực, sản phẩm và vị thế DN Việt đã có ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu thu mua hàng hóa của họ. Mặt khác, các DN Việt đã không ngừng nỗ lực đầu tư nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới chất lượng cao, giá cạnh tranh.

“Việc chủ động nâng cao năng lực sản xuất của DN góp phần gia tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, nhờ đó đã tạo ra vị thế “vững chân” của DN Việt ngay tại sân nhà, khi đủ sức tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 5%-10% trong tổng số 2.000 DN sản xuất linh kiện cơ khí và khuôn nhựa có ưu thế xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các DN này cũng đang là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối trong nước.

Chỉ tính riêng tại TPHCM, ngành công nghiệp này luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế của thành phố. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của DN đạt trung bình 7,83%. Điều này cho thấy nỗ lực vươn lên rất lớn của DN.

Tin cùng chuyên mục