Chưa thể ra biển lớn
Tại phiên họp Chính phủ tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do nhiều nguyên nhân đang tăng chậm lại. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong quý đầu năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã không bứt phá mạnh mẽ như quý 1-2018, ngược lại đang có xu hướng giảm mạnh.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả quý 1-2019, ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 11,1%, nhưng tốc độ tăng này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 15,7% của cùng kỳ năm 2018. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31-3-2019 tăng 15,6%, cao hơn so với cùng thời điểm năm trước là 13,5%.
Trên thực tế, những hạn chế, tồn tại của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã được các bộ ngành nhìn nhận, mổ xẻ lâu nay nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong đó, điểm yếu kém nhất kìm hãm sự phát triển của ngành này chính là bộ phận công nghiệp hỗ trợ - dù được bàn thảo nhiều - nhưng không thể phát triển, thậm chí rất èo uột, dẫn đến các sản phẩm công nghiệp Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất lĩnh vực cơ khí còn thấp, trình độ thiết kế, chế tạo chưa đủ chủ động để sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị và có hàm lượng công nghệ cao để giải quyết những vấn đề ngành đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành sản xuất cho xuất khẩu, như: dệt may, da giày...
Phân tích nguyên nhân dẫn đến lĩnh vực cơ khí nói riêng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung mãi èo uột, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cho rằng do cơ chế, chính sách của nhà nước không tạo đủ điều kiện khuyến khích phát triển và bảo vệ thị trường cho doanh nghiệp nội địa. Trong khi đó, tình trạng thiếu vốn là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Sớm có gói tín dụng ưu đãi
“Lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ đạt bình quân từ 3% - 5%/năm, nhưng lãi suất cho vay trong nước hiện cao gấp 2 - 3 lần mức lợi nhuận. Do vậy, không doanh nghiệp nào dám vay bởi cầm chắc thua lỗ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cơ khí vốn đã yếu kém về công nghệ, quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất nhưng lại trực thuộc “chủ quản vốn” và chịu sự quản lý của nhiều bộ ngành nên thiếu sự liên kết hợp tác trong kinh doanh. Chưa kể, thực hiện đấu thầu chỉ tập trung “đấu giá” nên doanh nghiệp nước ngoài đã thắng thầu hầu hết các dự án đầu tư”, ông Đào Phan Long phân tích.
Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Nam Sơn, quận 12, TPHCM, lý giải về nguồn vốn hạn chế, rào cản về tài chính… không cho phép doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ có giá trị cao. Bên cạnh đó, khi tiếp xúc với công nghệ mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó đánh giá được chất lượng của công nghệ để đưa ra quyết định đầu tư thích hợp. Vì vậy, ngoài mong muốn tiếp cận được với các nguồn vốn đổi mới khoa học và công nghệ, nhiều doanh nghiệp mong nhận được sự hỗ trợ về mặt tiếp cận và chuyển giao công nghệ.
Tìm hướng ra để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp thời kỳ hội nhập. Cụ thể, cần đưa chính sách tín dụng với lãi suất thích hợp cho doanh nghiệp có thể vay để sản xuất.
Với các dự án đầu tư công, nhất thiết phải nghiên cứu cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nội địa được tham gia và có đơn hàng. Đồng thời, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa không quá 15% nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp trong ngành có khả năng phát huy nguồn vốn để tự đầu tư chiều sâu.
Tại cuộc họp mới đây của ngành công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra cam kết: “Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên. Trong đó có công nghiệp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ các DN Việt Nam và kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu”.
Bộ Công thương cũng đang lên kế hoạch triển khai hiệu quả về phát triển khoa học - công nghệ, trong đó xây dựng lộ trình về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đối với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, sản xuất tại Việt Nam; đặc biệt chú trọng ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, tự động hóa thời công nghiệp 4.0 để nâng cao trình độ sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ để có thêm nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp cận được Quỹ đổi mới KH-CN quốc gia, cũng như thêm nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn.
Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải tự đánh giá năng lực, chọn khách hàng phù hợp, tăng cường tiếp thị để tìm khách hàng mới. Dù đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn cần tăng cường quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng; hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.