Ngành công nghệ vi mạch, bán dẫn: Khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo

Từ năm 2024 đến nay, hàng loạt trường công bố tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch (CNVM), bán dẫn nhằm giải bài toán “khát” nguồn nhân lực cho lĩnh vực này của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc cấp thiết hiện nay là cần sớm xây dựng một chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn hoàn chỉnh, đúng chuẩn quốc tế, có sự tham gia của doanh nghiệp, đầu tư của Nhà nước.

Chạy đua tuyển sinh

Tính đến thời điểm này, có hàng chục đại học (ĐH) và trường ĐH công bố thông tin tuyển sinh ngành CNVM năm 2025. Tại khu vực phía Nam, 3 trường thành viên của ĐHQG TPHCM là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã phê duyệt mở nhóm ngành CNVM. ĐHQG TPHCM hiện đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp, gián tiếp đến CNVM và bán dẫn.

Từ nay đến năm 2030, ĐHQG TPHCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, trong đó mục tiêu đến năm 2027, ĐHQG TPHCM sẽ tuyển sinh, đào tạo khoảng 1.000 nhân lực chuyên về CNVM và bán dẫn.

&4d.jpg
Sinh viên ngành Điện - Điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm

Tại khu vực phía Bắc, ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội mỗi năm đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng lượng đào tạo lên gấp đôi.

Ngoài kỹ sư, cử nhân, các trường sẽ đào tạo cả sinh viên đã học những ngành liên quan trong vòng 6 tháng - 1 năm để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành, đào tạo thêm các chuyên gia phát minh sáng chế.

Ở khu vực miền Trung, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng gồm Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn cũng chính thức tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn.

Ngoài ra, hiện có rất nhiều trường ĐH công lập lẫn tư thục bắt đầu tuyển sinh ngành CNVM trong năm nay, như Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ...

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo danh mục 75 ngành đào tạo phục vụ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, chưa kể các ngành được phép thực hiện thí điểm, bổ sung vào danh mục đào tạo.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn ở trình độ ĐH và thạc sĩ. Theo dự thảo, chuẩn chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn được xây dựng áp dụng với các chương trình cấp bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ theo hướng chuyên sâu về vi mạch, bán dẫn.

Chương trình này được xây dựng phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Theo đó, người tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân, kỹ sư bậc 6, kỹ sư bậc 7, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện, dự kiến chuẩn chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn ở trình độ ĐH và thạc sĩ sẽ sớm được ban hành để các trường có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo

Cần chương trình chuẩn

Theo TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ KH-ĐT), trong số hơn 300 trường ĐH, cao đẳng, hiện chỉ có số ít trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ nhóm ngành nghề liên quan đến thiết kế vi mạch; các chương trình đào tạo lại thiếu phòng thí nghiệm, thiếu thực hành thực tế, thiếu liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực.

Hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, chỉ đáp ứng 20% nhu cầu, tập trung nhiều nhất tại TPHCM (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). So với nhu cầu thực tế, con số này vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là đặt trong chiến lược phát triển ngành vi mạch của Việt Nam từ nay đến năm 2030 cần ít nhất hơn 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp này.

GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, nhấn mạnh, đào tạo nhân lực lĩnh vực CNVM, bán dẫn rất đắt đỏ. Trường ĐH không đủ sức đào tạo tất cả các khâu mà cần sự hỗ trợ, hợp lực từ nhiều phía. Do đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình học bổng; doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, đặt hàng, hỗ trợ học bổng, tạo điều kiện để sinh viên thực hành, thực tập tại các phòng thí nghiệm.

Bên cạnh đó, các địa phương ngoài chính sách thu hút đầu tư cần yêu cầu nhà đầu tư hỗ trợ, tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở các trường.

Tham gia thỉnh giảng các khóa cấp tốc, chuyên sâu về CNVM tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) từ năm 2022, GS Koichiro Ishibashi, Giám đốc Phòng thí nghiệm Ishibashi, ĐH Điện tử - Truyền thông (Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chính thức về CNVM, hiện chỉ có một phần rất nhỏ trong chương trình đào tạo của các ngành điện, điện tử, chưa có doanh nghiệp phát triển về CNVM đúng nghĩa.

Do đó, muốn phát triển nguồn nhân lực CNVM, cần có chiến lược cụ thể về nhân lực cũng như hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất để thực hành và xây dựng chương trình đào tạo CNVM theo chuẩn quốc tế.

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:

ĐHQG TPHCM hướng đến trung tâm đào tạo hàng đầu về bán dẫn

Từ năm 2023, chúng tôi đã chủ động xây dựng chương trình phát triển ĐHQG TPHCM thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu châu Á về công nghệ bán dẫn và triển khai chuỗi chương trình trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Một số chương trình tiêu biểu như: chương trình đào tạo tài năng thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn ở cả 3 bậc ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và chương trình đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ; thành lập Viện Nghiên cứu bán dẫn ĐHQG TPHCM (VSRI); hợp tác với doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như ĐH Purdue, Intel, Synopsys, NVIDIA… triển khai chương trình đào tạo thực hành và nghiên cứu ứng dụng; đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm chuyên sâu, phục vụ đào tạo thực hành, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch và kiểm thử - đóng gói; xây dựng dự án đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm dùng chung cấp quốc gia.

GS LỮ MINH PHONG, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Kỹ thuật Minh Tân (Đài Loan - Trung Quốc):

Cần sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước

Cách đây 8 năm, Bộ Giáo dục Đài Loan đã đầu tư cho trường dây chuyền sản xuất, thử nghiệm, đóng gói chip bán dẫn để hỗ trợ công tác đào tạo và thực hành cho sinh viên; thành lập viện bán dẫn đầu tiên của Đài Loan đặt tại trường.

Đây là những điều kiện thuận lợi nhất về mặt hỗ trợ của nhà nước để trường trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu về chip bán dẫn ở Đài Loan. Ngoài ra, Đài Loan hiện có hiệp hội phát triển vi mạch để hỗ trợ hợp tác phát triển CNVM.

Việc hỗ trợ này gắn chặt với các trường ĐH và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực. Sinh viên được học, thực hành thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất chip.

Cùng với đó, chính phủ hỗ trợ tài chính, cơ quan giáo dục huy động các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia thiết kế xây dựng chương trình đào tạo chuẩn cho ngành CNVM, bán dẫn.

Ông ANDREW GOH, Phó Chủ tịch Lam Research (tập đoàn cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ):

Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực

Khu vực Đông Nam Á đang đứng thứ 2 toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách, tầm nhìn chiến lược về đầu tư, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực này. Với ngành công nghiệp tỷ đô này, Việt Nam có nhiều lợi thế, đó là dồi dào về nguồn nhân lực.

Do đó, Việt Nam cần đầu tư mạnh để phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực CNVM, bán dẫn. Đây là lĩnh vực đang rất khát nguồn nhân lực.

Tin cùng chuyên mục