Giáng đòn nặng nề
Bộ Thương mại Mỹ đã thêm SMIC vào danh sách đen với lý do công nghệ của SMIC có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự của Trung Quốc. Theo đó, các công ty Mỹ cần phải có giấy phép xuất khẩu nếu muốn kinh doanh với SMIC, tuy nhiên những giấy phép này được cho là rất hiếm.
Mặc dù ảnh hưởng của lệnh cấm sẽ không rõ ràng cho đến khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định công ty nào được cấp giấy phép kinh doanh, SMIC có thể phải chuyển sang sử dụng công nghệ không phải của Mỹ bất cứ khi nào muốn nâng cấp dây chuyền sản xuất hoặc bảo trì phần cứng của mình. Mỹ hiện là quốc gia có nhiều nhà cung cấp nhất cho SMIC, chiếm 1/3 trong tổng số 30 hãng cung ứng cho công ty sản xuất chip Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, sau Huawei, việc đưa SMIC vào danh sách đen thương mại đã giáng một đòn nặng nề vào kế hoạch xây dựng ngành bán dẫn nội địa của Trung Quốc. Trong khi đó, phản ứng lại lệnh áp đặt kiểm soát của Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, đăng bài viết cho rằng, Trung Quốc phải tham gia một cuộc trường chinh mới trong lĩnh vực công nghệ. Sự thống trị của Mỹ trong chuỗi cung ứng công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu là “mối đe dọa cơ bản” đối với Trung Quốc.
Trong những năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh vị trí thống trị về công nghệ. SMIC là chìa khóa cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc sẽ đạt được khả năng tự chủ về chất bán dẫn trong tương lai. Giới phân tích cho rằng, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào con chip được sản xuất từ nước ngoài, trong đó có Mỹ, phần nào đã cản trở mục tiêu của quốc gia trên. Với lệnh cấm mới, kế hoạch mở rộng sản xuất chip của SMIC cũng như Trung Quốc sẽ bị trì hoãn thêm một thời gian nữa.
Lo ngại “hiệu ứng gợn sóng”
Quyết định của Chính phủ Mỹ hiện chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong giới công nghệ. SEMI - một nhóm đại diện ngành bán dẫn - cho rằng việc đưa SMIC vào danh sách đen có thể khiến các doanh nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động cung cấp chip cho công ty Trung Quốc. Nhóm này kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét cẩn thận các tác động có hại trước mắt và lâu dài đối với ngành công nghiệp này, cũng như về kinh tế, an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo giới quan sát, việc Mỹ đang làm với Trung Quốc có thể sẽ tạo ra một “hiệu ứng gợn sóng”, khiến các quốc gia khác trên thế giới sẽ quay lưng với các công ty công nghệ và ứng dụng của Trung Quốc.
Một trong những thông tin liên quan đến cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc đang được dư luận quan tâm là số phận của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc. Thẩm phán Mỹ tại Washington Carl Nichols đã tạm thời chặn lệnh cấm của chính quyền Mỹ liên quan tới TikTok, ngay trước thời điểm lệnh cấm trên có hiệu lực vào 23 giờ 59 phút ngày 27-9 (giờ địa phương).
Theo lệnh cấm, Apple và Google sẽ phải gỡ bỏ ứng dụng trên khỏi kho trực tuyến tại Mỹ. Trước đó, công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) của TikTok đã đệ đơn xin tạm dừng lệnh cấm trên, được ban hành theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump trước đó nhắm vào nền tảng video của ByteDance, cũng như ứng dụng nhắn tin WeChat. Lệnh cấm đã bị Bộ Thương mại Mỹ trì hoãn một tuần sau khi các bên nhất trí hướng tới một thỏa thuận tái cơ cấu theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump.
Theo South China Morning Post, các nhà ngoại giao Mỹ cần được sự cho phép từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nếu họ muốn gặp gỡ các quan chức chính quyền đặc khu hành chính Hồng Công và các nhân viên trong ngành giáo dục. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc phải được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận trước khi tới thăm các trường đại học nước này; gặp gỡ các quan chức địa phương cũng như tổ chức các sự kiện văn hóa với sự tham gia của hơn 50 người. |