Là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, ngành nông nghiệp Hà Lan thải ra 16% lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Chăn nuôi là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính chính ở Hà Lan. Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đang đe dọa nuốt chửng những cánh đồng trũng thấp tại nước này.
Kế hoạch giảm quy mô ngành chăn muôi kéo dài 13 năm, khiến nông dân Hà Lan buộc phải lựa chọn: hoặc chuyển sang làm trang trại thân thiện hơn với môi trường, hoặc thay đổi công việc. Bên cạnh đó, Chính phủ Hà Lan đặt mục tiêu giúp nông dân đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, đào tạo lại, đổi mới hoặc thậm chí di dời trang trại của họ. Nhưng nếu không tuân thủ, chính phủ cảnh báo rằng họ có thể bị thu hồi đất. Mục tiêu của kế hoạch là giảm gần 1/3 số lượng heo, bò và gà của cả nước.
Kế hoạch này vấp phải phản ứng dữ dội từ người làm nông, dẫn tới các cuộc tuần hành lớn trên đường phố trong thời gian gần đây nhằm phản đối việc thu hẹp quy mô chăn nuôi. Nông dân lo ngại thiệt hại ảnh hưởng đến an ninh lương thực và buộc quá nhiều người phải bỏ việc.
Theo báo The Guardian, bà Marije Klever, nông dân chăn nuôi bò sữa ở Utrecht, thuộc Hiệp hội nông dân trẻ Hà Lan, nói: “Chúng tôi không muốn hệ thống nông trại sụp đổ. Tôi là chủ sở hữu đất, vì vậy, câu hỏi quan trọng là liệu chính phủ có được phép đẩy nông dân ra khỏi trang trại hay không”. Một số nông dân tỏ ra thông cảm với chính phủ thì cho rằng không có tương lai cho việc thâm canh ở Hà Lan khi dân cư ngày càng đông.
Bà Heleen Lansink-Marissen ở Haaksbergen, miền Đông Hà Lan cho rằng “cần một kế hoạch cho tương lai và cách kiếm tiền thông qua đa dạng sinh học, giảm khí thải và chấp nhận dùng ít sữa hơn một chút”.
Trong khi được quốc tế ca ngợi là “quốc gia nhỏ bé cung cấp thức ăn cho thế giới” và là nhà xuất khẩu thịt lớn nhất châu Âu, Hà Lan đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng ô nhiễm do động vật trang trại dư thừa gây ra. Hà Lan có mật độ chăn nuôi cao nhất ở châu Âu, gấp 4 lần so với Pháp, với tổng số hơn 100 triệu con gia súc, gia cầm. Bò và nhiều loại gia súc khác thải ra khí methane từ hệ tiêu hóa, một loại khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phân cùng với nước tiểu của của vật nuôi thải khí amoniac và hợp chất nitrogen. Nếu đi vào các hồ và suối, nitrogen có thể làm hỏng các môi trường sống tự nhiên.
Tòa án hành chính tối cao của Hà Lan hồi năm 2019 đã cáo buộc chính phủ nước này vi phạm luật của Liên minh châu Âu vì không giảm lượng nitrogen dư thừa ở nhiều môi trường sống của các loài vật hoang dã do hoạt động nông nghiệp và công nghiệp gây ra.
Nhìn chung, người Hà Lan nhận ra rằng đất nước của họ quá nhỏ để có thể làm tất cả mọi thứ cùng một lúc: nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hoa khổng lồ, sở hữu một trong những sân bay lớn nhất châu Âu tại Amsterdam, mạng lưới đường sá dày đặc, nhà ở cho tất cả mọi người... Hà Lan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng về khí thải chăn nuôi. Các nhà quan sát cho rằng Đan Mạch, Bỉ và Đức có thể sớm phải xem xét hành động tương tự.