Đẩy mạnh chăm sóc khách hàng qua Zalo OA
Có nhu cầu đăng ký thêm định mức nước cho gia đình, ông Trần Văn Dũng (phường 10, quận Phú Nhuận) vào mục đăng ký định mức trên cổng thông tin Zalo Official Account (Zalo OA) của Cấp nước Gia Định nộp hồ sơ. Qua vài bước hướng dẫn, nhập thông tin và tải file đính kèm, ông Dũng hoàn thành đăng ký và nhận được phản hồi việc nhận hồ sơ từ công ty.
“Ban đầu tôi định trực tiếp lên trụ sở công ty để làm các thủ tục, nhưng nhờ có Zalo OA của công ty nên tôi vào điền thông tin thử. Tôi bất ngờ vì các bước thực hiện đơn giản, dễ thao tác và nhanh gọn. Nhờ vậy tôi đỡ mất thời gian đi lại mà vẫn đăng ký thành công định mức nước cho các thành viên trong gia đình”, ông Dũng chia sẻ.
Theo bà Đặng Kim Chi, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ khách hàng, Công ty CP Cấp nước Gia Định, cổng thông tin Zalo OA trên ứng dụng Zalo được đơn vị triển khai nhằm nâng chất dịch vụ chăm sóc khách hàng. Theo đó, khách hàng sử dụng Zalo có thể truy cập vào “Cấp nước Gia Định OA”, nhấn “quan tâm” và đăng ký thông tin để sử dụng các tiện ích như: tra cứu tiền nước 3 kỳ gần nhất, hóa đơn tiền nước chưa thanh toán, lịch sử sử dụng nước 6 kỳ, đăng ký định mức nước, đăng ký gắn mới đồng hồ, báo sự cố, liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng…
Đặc biệt, hiện nay, công ty thực hiện cập nhật mã số định danh của khách hàng thông qua “Phiếu thu thập thông tin khách hàng” để cập nhật lại thông tin theo Luật Cư trú mới. Khách hàng có thể nộp hồ sơ đính kèm trên Zalo OA thay cho bản giấy.
“Cấp nước Gia Định đang có nhiều hình thức để giúp khách hàng cập nhật mã định danh trực tiếp tại công ty và trực tuyến. Với hình thức trực tuyến, khách hàng chỉ cần quét mã QR từ ứng dụng Zalo OA hoặc website và điền tất cả thông tin, mã định danh là có thể nhận được phản hồi từ công ty”, bà Đặng Kim Chi cho biết.
Ứng dụng công nghệ giảm thất thoát nước
Công ty CP Cấp nước Gia Định phụ trách cấp nước 4 quận với 39 phường. Tổng chiều dài mạng lưới cấp nước 654km. Bên cạnh kết quả tiếp tục giữ vững tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 100% trên địa bàn quản lý, đơn vị còn rất quan tâm đến tỷ lệ thất thoát nước, xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2022, chỉ tiêu thất thoát nước toàn đơn vị đặt ra là 14,7%. Đại diện Công ty CP Cấp nước Gia Định cho biết, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ để thực hiện chỉ tiêu trên.
Nếu năm 2012, tỷ lệ thất thoát nước của Công ty CP Cấp nước Gia Định là 53% thì đến kỳ 7-2022 chỉ còn 14,87%. Dự kiến, trong kỳ 8 này, tỷ lệ thất thoát nước của đơn vị sẽ đạt dưới 14,7%. Để có được kết quả ấy, Công ty CP Cấp nước Gia Định đã triển khai nhiều giải pháp như tiếp tục nhân rộng mô hình phân vùng tách mạng hệ thống cấp nước (gọi tắt là DMA) trên địa bàn. Đến nay, công ty đã thiết lập được 85 DMA, điều này không chỉ giúp dễ quản lý mạng cấp nước mà còn giúp nhân viên kịp thời phát hiện nhanh, xử lý tốt các vùng có nước rò rỉ.
Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động giảm thất thoát nước được công ty ưu tiên hàng đầu như nhân rộng mô hình “DMA thông minh”, lắp đặt van điều chỉnh áp lực trực tuyến tại các DMA nhằm quản lý chủ động áp lực đầu nguồn.
Công ty cũng tiếp tục áp dụng, triển khai quy trình dò tìm và sửa chữa các điểm rò rỉ trên mạng lưới cấp nước một cách hiệu quả. Trong đó, các bước triển khai bao gồm: thực hiện khoanh vùng, xác định các tuyến ống có khả năng rò rỉ cao, kiểm tra rò rỉ bằng thiết bị bút dò bể nhanh (leakpen) kết hợp thiết bị tương quan âm, thiết bị dò tìm cáp điện trong sửa chữa các điểm rò rỉ nhằm đảm bảo an toàn lao động. Với các biện pháp trên, tỷ lệ dò tìm và phát hiện các điểm rò rỉ đạt độ chính xác trên 90%.
Một trong những ứng dụng công nghệ trong công tác giảm tỷ lệ thất thoát nước của đơn vị chính là xây dựng Trung tâm quản lý và vận hành mạng lưới cấp nước (gọi tắt là NOC). Đây là trung tâm vận hành, theo dõi và giám sát trực tuyến các hoạt động trên mạng lưới cấp nước. Từ khi đưa vào vận hành vào đầu năm 2020, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu của trung tâm NOC, đơn vị có thể quản lý và giám sát mạng lưới cấp nước một cách chủ động, vận hành các thiết bị trực tuyến nhằm đảm bảo việc cấp nước an toàn, liên tục, kiểm soát được tỷ lệ thất thoát nước thường xuyên, kịp thời cảnh báo khu vực có nguy cơ thất thoát nước tăng, hướng tới xây dựng hệ thống cấp nước thông minh trong tương lai.