Tái sử dụng nguồn nước
Theo VRG, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (Bình Phước) nước thải sau xử lý được tái sử dụng để rửa mủ tạp. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) có trên 30% lượng nước thải được tái sử dụng sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cột A. Nước thải được xử lý tại các trạm giao nhận mủ cao su để tái sử dụng tại chỗ để tráng rửa dụng cụ, sàn tiếp nhận mủ và tưới cho vườn cao su.
Ghi nhận tại nhà máy sản xuất mủ cao su của Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (Bình Dương), đối với nước sản xuất cao su đã được nhà máy xử lý theo hệ thống, sẽ được tái sử dụng trong rửa mủ cao su trước khi xuất khẩu. Trong đó, công ty lưu ý đến tiêu chí nước sản xuất phải được tái sử dụng 75%.
Bên cạnh đó, trên các mái nhà cũng đã được gắn tấm pin năng lượng mặt trời để giảm 60% chi phí sản xuất; Toàn bộ hệ thống rác thải đã được đầu tư, xay nhỏ làm sản phẩm tái chế.
Ông Trương Văn Cư, Tổng Giám đốc Cao su Tân Biên cho biết, nhà máy sản xuất mủ đang đảm bảo 3 yếu tố là: rác thải nguy hiểm, độc hại thì đưa vào kho lưu trữ; khí thải thì được máy lọc khí trước khi ra bên ngoài để không có mùi hôi; nước thải được xây dựng hệ thống với công suất 600.000m3/ngày đêm được kết nối với Sở TN-MT của tỉnh.
Ngoài ra, đến nay, hơn 4.000ha cao su của công ty đều đạt tiêu chuẩn chứng nhận rừng bền vững - PEFC.
Công ty cổ phần cao su Phước Hoà sản xuất cao su đạt chất lượng tốt để xuất khẩu |
Khi có chứng chỉ rừng, ông Trương Văn Cư cho hay, người dân yên tâm khi sinh sống gần khu vực sản xuất và khách hàng mua mủ cũng yên tâm để xuất khẩu. Bên cạnh đó, khi có chứng nhận, giá mủ cao su cũng được tăng giá cao hơn để công ty có kinh phí duy trì chứng nhận.
Ngoài ra, các công ty cũng lắp tấm năng lượng mặt trời để giảm điện năng tiêu thụ sản xuất, máy móc được nâng cấp công nghệ để tiết kiệm sản xuất. Thay vì trước kia dùng xăng dầu để sấy cao su thì nay sử dụng khí gas.
Trong thời gian tới, công ty có thêm chương trình phát triển xanh gồm các tiêu chí như môi trường, lao động hợp pháp, không sử dụng trẻ em, không sử dụng đất rừng…
Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh cho biết, hơn một nửa lượng nước thải mỗi ngày tại Nhà máy Chế biến Cao su Hiệp Thạnh, sau khi xử lý đạt quy chuẩn, được thu gom về mương oxy hóa, tiếp theo được bơm theo đường ống nhựa cung cấp nước cho công đoạn rửa nguyên liệu cao su mủ tạp trong dây chuyền sản xuất cao. Thông qua hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất 1.700m3/ngày, việc tái sử dụng nước thải sau xử lý được áp dụng cho toàn bộ dây chuyền sản xuất cao su từ nguyên liệu mủ tạp từ đầu vụ cho đến khi hết vụ sản xuất không hạn chế các mùa trong năm. Điều này cho thấy việc tái sử dụng nguồn nước thải đang được thực hiện khá tốt, qua đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và góp phần sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tái sử dụng nước thải tại các nhà máy chế biến mủ cao su, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải đã được thu gom và lưu trữ tạm thời tại khu vực ép bùn, sau đó vận chuyển đến các nông trường thuộc công ty để bón cho cây cao su.
Hỗ trợ tiểu điền sản xuất xanh
Ông Nguyễn Hồng Thái chia sẻ, một trong những sáng kiến tiêu biểu liên quan đến trách nhiệm về môi trường, xã hội, chiến lược phát triển xanh là công ty đã tái sử dụng vật liệu nhựa (vỏ chai) làm chậu trồng cây kiểng, làm đẹp cảnh quan nơi làm việc, đồng thời nâng cao ý thức quản lý, tái chế rác thải, góp phần vào chiến lược phát xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, thực hiện triệt để việc tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả năng suất, an toàn sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; duy trì thực hiện hệ thống quản lý tích hợp ISO. Năm 2021, công ty đã có 27 giải pháp cải tiến sáng kiến được công nhận; năm 2022 có 54 giải pháp được công nhận. Trong đó, nhiều cải tiến tiết kiệm nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất chế biến mủ cao su với số tiền tiết kiệm được ước tính riêng năm 2022 gần 5 tỷ đồng. Điều đó góp phần không nhỏ vừa làm tăng hiệu quả quản lý sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững hơn.
Từ khi “vươn ra” thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Tược, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cho biết, để có hợp đồng lâu dài với các đối tác nhập khẩu, công ty phải thực hiện theo quy trình để giữ vững chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng in mã QR lên sản phẩm để khách hàng kiểm chứng.
Ngoài nguồn nguyên liệu của mình công ty còn thu mua mủ cao su từ tiểu điền. Công ty cũng đặt ra các tiêu chí sản xuất xanh cho các tiểu điểm sản xuất để có thể trở thành chuỗi liên kết bền vững. Để thực hiện đúng tiêu chí, công ty phải xây dựng kế hoạch để cùng thực hiện. Trước khi sản xuất, công ty đã xác định phát triển bền vững là điều kiện tiên quyết trong hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, các hộ tiểu điền không chịu bỏ chi phí nên công ty sẽ hỗ trợ.
Theo lộ trình đến năm 2050 là công ty phải 100% phát triển xanh. Rất may mắn, các tiêu chí xanh rất gần với tiêu chí phát triển bền vững nên chỉ cần công ty ráp lại sẽ hoàn thành chuỗi.
Ông Đàm Duy Thảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật Cao su Đồng Phú cho biết, tình hình kinh tế rất khó khăn, công ty trang bị mái che là điện mặt trời có tổng công suất 2MW có thể đáp ứng được 60% điện năng.
Khâu sản xuất đã xử lý được 100%, có phụ phẩm sau khi còn dư được cung cấp cho một số công ty làm lốp xe, tấm lót, nhà xưởng…
Phát triển xanh là xu hướng tất yếu
Hiện VRG đang triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững tiếp tục phát huy các hoạt động phát triển bền vững đã triển khai thành công trong bốn năm từ năm 2019 – 2023 nhằm đạt được tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, tiến tới góp phần nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.
Đến năm 2050, Tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế và 100% nhà máy sản xuất có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm; Giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 30% so với năm 2023; Chuỗi cung ứng phải xanh hoá để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của khách hàng, đặc biệt là yêu cầu của các nhà sản xuất lốp xe, chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su… cũng như đáp ứng các chính sách chỉ thu mua cao su thiên nhiên từ các công ty cam kết đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đồng thời, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối tối thiểu từ 50% tổng nhu cầu; tiết kiệm năng lượng khoảng 20 - 30% so với tổng nhu cầu; giảm thiểu chất thải bằng giải pháp tiết kiệm/tái sử dụng tối thiểu 35% lượng nước sử dụng, tận dụng/tái chế tối thiểu 40% chất thải rắn và bùn thải, giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.