Từ cằn cỗi đến màu mỡ
Với sở hữu 100% vốn điều lệ, ông Nguyễn Văn Tược, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cho biết, Công ty TNHH phát triển Cao su Phước Hòa - Kampong có vùng trồng gần 9.000ha tại tỉnh Kampong Thom (Campuchia). Tại đây, công ty bắt đầu trồng cao su từ năm 2009 và đến năm 2016, bắt đầu đi vào khai thác.
Công ty có nhà máy chế biến với tổng công suất 16.000 tấn/năm. Tổng số lao động hiện có là 1.469 người, có 1.412 người Campuchia, với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.
Trong 15 năm đầu tư và phát triển dự án, công ty đã đầu tư 311km đường, 15km đường điện, 1 trường học, 1 trạm y tế, 25.757m2 nhà ở.
Năm 2023 diện tích khai thác của công ty là 7.664ha, lũy kế 9 tháng công ty khai thác 7.251 tấn đạt tỷ lệ 55,80%. Tính đến ngày 15-10-2023 công ty khai thác được 7.981 tấn đạt 61,39 % kế hoạch năm 2023. So với cùng kỳ năm 2022 cao hơn 31,14 %.
Công nhân đang chở mủ cao su về nhà máy |
Không thua kém tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Tược, công ty còn đầu tư xây dựng sân tập thể thao cho nhân viên như bóng chuyền, bóng bàn, tennis và khu công viên.
Nếu so với trước kia, các khu này chỉ là mảnh đất cằn cỗi thì từ khi cao su có mặt đã làm thay đổi khu rừng Campuchia. Sự đổi thay cơ sở vật chất này cũng nhờ hiệu quả dự án cao su.
Từ năm 2019, công ty đã có lợi nhuận sau thuế và đã chuyển lợi nhuận về Việt Nam hơn 100 tỷ đồng; năm 2021 chuyển về lợi nhuận là 60 tỷ đồng và năm 2022 là 48 tỷ đồng và năm nay là 30 tỷ đồng. Số lợi nhuận giảm là do công ty phải để lại nguồn tiền tái đầu tư cơ sở vật chất, vùng trồng cao su mới.
Sắp tới, chu kỳ 25 năm, công ty sẽ không đầu tư thêm mà tận dụng từ nguồn lực có sẵn để tập trung quy trình sản xuất nâng cao sản lượng, chất lượng cao su. Ngoài ra, Campuchia cho đóng thuế đất và mua đất 1 lần. Với phương châm tiết kiệm tối đa chi phí để mang lợi nhuận về cho công ty mẹ, kế hoạch sắp tới đào tạo là người Việt Nam thành chuyên gia sang quản lý người Campuchia.
“Đất lành chim đậu”
Hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên đang trực tiếp quản lý 2 công ty thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại Campuchia là Công ty TNHH Phát triển Cao su Tân Biên – Kampong Thom và Công ty TNHH Cao su MeKong.
Cùng thời điểm năm 2007, Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên – Kampong Thom được thành lập tại Campuchia với vốn điều lệ là 1.434 tỷ đồng, gồm các cổ đông Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 41%; Công ty cổ phần Cao su Tân Biên là 58,97%, cổ đông khác 0,03%.
Ông Trương Văn Cư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên nhớ lại, trong công cuộc khai hoang vùng đất mới tại Campuchia, lực lượng tiên phong của Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên – Kampong Thom gồm 31 cán bộ nhưng gặp nhiều khó khăn do không biết ngôn ngữ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thông tin liên lạc cũng khó khăn. Từ một vùng đất còn hoang vu, vắng bóng con người, mà giờ đây đã hình thành những khu dân cư quần tụ “đất lành chim đậu”.
Hiện nay, Công ty TNHH Phát triển Cao su Tân Biên Kampongthom có tổng diện tích được cấp giấy chứng nhận tô nhượng (gồm cao su và diện tích sử dụng) là 7.766,9 ha.
Đầu năm 2017, Nhà máy chế biến mủ cao su tại Công ty TNHH Phát triển Cao su Tân Biên – Kampong Thom sau 3 năm xây dựng, với công suất chế biến mủ cao su tờ RSS giai đoạn I là 3.000 tấn/năm. Năm 2021, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng dây chuyền mủ tờ thêm công suất 2.000 tấn/năm. Đến nay nâng tổng công suất chế biến của nhà máy là 17.000 tấn/năm. Năm 2022 Công ty đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su tại Công ty TNHH Cao su MeKong với tổng công suất của nhà máy là 9.000 tấn/năm, đã hoàn thiện và chính thức hoạt động vào tháng 7-2023. Công ty đã thực hiện việc chuyển lợi nhuận về Việt Nam với số tiền 3,5 triệu USD. Công ty giải quyết việc làm cho hơn 2.800 lao động góp phần ổn định cuộc sống cho người dân xung quanh. Tiền lương luôn ổn định và cao hơn so với mức sống tại địa phương, tiền lương bình quân hơn 321 USD/người/tháng. Công ty đã xây dựng 15 khu nhà song lập cho công nhân, với gần 745 căn cho hộ gia đình công nhân sinh sống.
Ngoài ra, còn có Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh có góp vốn Công ty Cổ phần Cao su Việt Lào và Công ty Tây Ninh - Siêm Riệp. Với vốn đầu tư thấp, Công ty Cao su Bà Rịa Kampong Thom có khoảng 711 tỷ đồng để phát triển khoảng 5.400 ha cao su; năng suất đạt 2 tấn mủ cao su/ha/năm; là công ty đầu tiên ở Campuchia đạt mức năng suất cao này từ năm 2019.
Xây dựng khu dân cư phát triển
Bên cạnh phát triển cao su tại Lào và Campuchia, Tập đoàn luôn quan tâm ưu tiên tạo việc làm cho cộng đồng dân cư quanh vùng dự án, đã đem lại thu nhập ổn định cho 18.000 người dân địa phương. Tính đến tháng này, các công ty cao su trực thuộc VRG đã đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội với tổng giá trị 60 triệu USD, gồm: Trên 1.200 km đường giao thông phục vụ dân sinh trị giá 20 triệu USD. Hệ thống điện, hơn 1.000 giếng nước sạch trị giá 6 triệu USD. Trạm y tế trên 5.000 m2; trường học trên 5.000 m2; nhà ở tập thể cho công nhân 120.000 m2, trị giá 17 triệu USD.
Các công trình tôn giáo trị giá hơn 1 triệu USD. Các công ty còn tham gia ủng hộ địa phương các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục gần 6 triệu USD… Trách nhiệm này là việc xây dựng nhà ở, hệ thống điện, nước sinh hoạt cho công nhân miễn phí; xây dựng trường học cho con em công nhân học miễn phí; lập trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho công nhân và người thân của họ… Vì vậy, ở dự án nào cũng có những làng cao su quây quần và gắn bó bên nhau, nhất là những công nhân trẻ lập gia đình và con cái chào đời ngay dưới những mái nhà cao su.