Ngành cao su phát triển kinh tế biên giới - Bài 1: Nâng cao đời sống vùng biên cương

Trong những năm qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã góp phần phát triển kinh tế khu vực vùng biên giới, bảo vệ biên cương. Không những thế, Tập đoàn phát triển bền vững, phát triển xanh hướng đến xu thế toàn cầu.

VRG luôn ưu tiên phát triển dự án trồng cao su vào các xã vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với phương châm phát triển cao su đến đâu tuyển dụng người địa phương ở đó làm công nhân cao su. Qua đó, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhân dân địa phương, trong đó, nhiều địa phương chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Làng cao su “biên giới”

Dọc theo con đường bê tông trong cánh rừng cao su giáp ranh với biên giới Campuchia, xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước), cứ khoảng 10km là có một khu dân cư liền kề chỉ chừng 10 nhà dân sinh sống. Khu dân cư này chủ yếu là công nhân cạo mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh.

Đang sinh sống tại khu dân cư Nông trường 5, chồng đang đi cạo mủ cao su, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (ấp 3) cho hay, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã xây dựng tuyến đường xuyên rừng cao su rộng hàng trăm hécta. Không những thế, Lộc Ninh còn xây dựng nhà tình thương ngay biên giới. Với 12 năm làm công nhân, anh Phạm Thành tâm sự, hơn 3 năm trước mới được công ty cấp đất 70m2 để xây dựng căn nhà để sinh sống cùng vợ con. Từ đó, gia đình anh đã an cư lập nghiệp tại khu vực biên giới hai nước. Đồng hành cùng công nhân, công ty cũng tạo điều kiện cho công nhân tăng thêm thu nhập.

Anh Đỗ Văn Tiến, công nhân của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (Bình Dương) đang cạo mủ

Anh Đỗ Văn Tiến, công nhân của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (Bình Dương) đang cạo mủ

Không những thế, Công ty TNHH MTV Lộc Ninh còn có đội ngũ bảo vệ cao su kiêm “canh phòng” biên giới. Anh Lê Văn Nhã, Tổ trưởng Tổ bảo vệ Nông trường 5 cho biết, hơn 10 năm trong nghề, cứ hễ đến mùa cạo mủ cao su là thường xuyên xảy ra tình trạng trộm mủ. Bên cạnh đó, tổ bảo vệ còn được tập huấn võ thuật để thường xuyên tuần tra với bộ đội biên phòng, để ngăn chặn tội phạm xâm nhập.

Ngoài ra, công ty còn có “tiểu đội” với kỹ năng bắn súng để tăng cường “vòng kim cô” bảo vệ khu vực biên giới. Theo anh Nguyễn Trọng Biên, Tổ trưởng Tổ bảo vệ Xí nghiệp Cơ khí chế biến Lộc Hiệp, công ty chủ yếu tuyển người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thuận lợi trong công tác phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện giáp biên giới Campuchia để tập huấn các tình huống giả định sẵn sàng chiến đấu.

Công nhân cao su của Công ty TNHH MTV Lộc Ninh đang tuần tra bảo vệ cao su và biên giới tại xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước)

Công nhân cao su của Công ty TNHH MTV Lộc Ninh đang tuần tra bảo vệ cao su và biên giới tại xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước)

Ngành cao su đã gắn với nhiều gia đình trải qua các thế hệ, anh Đỗ Văn Tiến (40 tuổi) đang làm công nhân tại Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (Bình Dương) cho biết, gia đình đã có 2 thế hệ làm công nhân cao su. Với thu nhập hiện tại, hai vợ chồng cũng vừa đủ trang trải nuôi một đứa con.

Với 13 năm gắn bó cạo mủ, chỉ cần thêm 2 năm nữa là đủ chế độ bảo hiểm nhưng anh vẫn tiếp tục làm để tăng thêm thu nhập. Hy vọng, những năm tiếp theo, ngành cao su có giá bán cao hơn, mở thêm nhiều lĩnh vực để công nhân có thêm thu nhập. Trong khu vực xa trung tâm, ngành cao su chỉ có công việc ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, từ nhỏ đã theo cha đi cạo mủ nên thiết xa “mùi” cao su cũng không được.

Gần 20 năm cạo mủ, anh Trần Văn Chất, Đội sản xuất 1, Nông trường cao su Tân Hiệp của Công ty cổ phần Cao su Tân Biên cho biết, trước kia, anh cũng làm nhiều công việc nhưng bấp bênh. Từ sau khi làm công nhân cạo mủ có thể thấy ổn định. Bên cạnh đó, công ty cũng có hỗ trợ cho phát thêm sữa, bánh vào ngày cuối tuần và cho ăn thêm bữa trưa. Ngoài công việc, công ty còn xây dựng các sân chơi thể thao cho công nhân như sân bóng chuyền, bàn bóng bàn, cầu lông, tennis…

Nắm tâm tư để phát triển đồng bộ

Ông Nguyễn Văn Tược, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cho hay, công ty đã mở rộng phát triển nhiều lĩnh vực để nâng cao doanh thu và lợi nhuận cho đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho công nhân. Công ty còn là điểm sáng trong công tác thu mua cao su tiểu điền với 12 năm liền sản lượng thu mua trên 10.000 tấn. Tiền lương bình quân người lao động 7,7 triệu đồng/người/tháng; công ty đã chi tiền ăn giữa ca gần 10 tỷ đồng; bồi dưỡng bằng hiện vật 3,65 tỷ đồng. Gần đây, công ty đã phát triển bền vững, tái sử dụng nước, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để bảo vệ môi trường và người lao động.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa hỗ trợ một phần đất của nông trường để phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi cho người dân xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Đơn cử, công ty đã bàn giao cho 6 ha đất để xây dựng Trung tâm Văn hóa Thể thao bao gồm hội trường, sân bóng đá có khán đài, bóng chuyền, cầu lông, bể bơi, khu vui chơi giải trí ngoài trời. Công ty còn đầu tư trường học Mầm non Sơn Ca, Tiểu học Tân Định đã đưa vào sử dụng năm 2021. Hiện công ty hiến đất 2 ha để xây dựng Trường THCS Tân Định với kinh phí 109 tỷ đồng. Công ty đầu tư 3 dãy nhà cho 100 lao động sinh sống và dự kiến mở rộng thêm để thu hút người lao động từ nơi khác.

Ngoài các chế độ của công ty trả theo quy định của Nhà nước, ông Phạm Quốc Bình, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cao su Tân Biên cho hay, từ năm 2004 đến nay, công ty sử dụng nhiều giải pháp để tăng mức sống cho người lao động. Đơn cử, công nhân ăn giữa ca là 20.000 đồng/suất và ăn sáng 13.000 đồng/suất.

Hàng năm, công ty tổ chức du lịch Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Campuchia… cho công nhân có thành tích từ tiên tiến trở lên để có tinh thần phấn khởi, đoàn kết. Ngoài ra, có truyền thống như bắt đầu nghỉ lễ, tết sẽ thưởng 500.000 đồng. Dự kiến, tổng mức chi quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng để hỗ trợ người lao động hơn 10 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Thành Ruân, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước cho biết, mỗi năm, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã cưa bỏ 296 cây cao su đang khai thác, với diện tích trên 6.000m2 nhằm hỗ trợ Đội K72 cất bốc được 101 hài cốt liệt sĩ tại xã Lộc Thiện.

Bên cạnh đó, công ty phối hợp tặng quà, thăm hỏi các gia đình chính sách, đồng bào nghèo với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng và hỗ trợ xây nhà tình nghĩa quân dân tại Đoàn kinh tế quốc phòng 778.

Những năm qua, công ty đã bàn giao hơn 29ha đất thực hiện xây dựng căn cứ hậu cần kỹ thuật và nhiệm vụ quốc phòng như xây dựng Khu Di tích Sư đoàn Bộ binh 302 lực lượng vũ trang, xây dựng điểm cụm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Lộc Thiện. Công ty hiến 171ha đất gần biên giới để xây nhà dân, chốt biên phòng nhằm bảo vệ Tổ quốc vững chắc.

Theo VRG, do địa bàn cao su xen lẫn với cư dân các địa phương nên các công ty đã chủ động hỗ trợ các địa phương phát triển các công trình phúc lợi công cộng như giao thông đi lại, hệ thống đường liên thôn, liên xã, liên huyện nối ra các trục giao thông quốc lộ; xây dựng trường mẫu giáo, nhà trẻ, trạm xá... kéo đường điện, đường nước về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong vùng, hệ thống điện - đường - trường - trạm do các công ty cao su đầu tư những năm trước đã được chuyển giao dần cho địa phương quản lý.

Các công ty luôn sát cánh hỗ trợ địa phương, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, đã tạo hiệu ứng tích cực, mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa phương. Hàng năm, Tập đoàn đóng góp gần 35 tỷ đồng cho quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội khác.

Tin cùng chuyên mục