Cần chú trọng chất lượng hơn số lượng
“Ngành cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh rất lớn do một số nước đã đẩy mạnh phát triển loại thủy sản này. Cụ thể, sản lượng nuôi tại Ấn Độ đã đạt 650.000 tấn/năm, Bangladesh 450.000 tấn/năm. Đặc biệt, có thông tin Trung Quốc đã ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi thành công cá tra. Đây là những vấn đề về mặt định hướng cần phải quan tâm”, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết. Việc nhiều nước như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc dồn lực nuôi cá tra có thể thấy họ đang có sự quan tâm đối với ngành hàng vốn là độc quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc phát triển như trên cũng không quá đáng lo khi xét về mặt cạnh tranh trong xuất khẩu với Việt Nam. Vấn đề là khi họ phát triển cá tra với trình độ công nghệ cao, thì khả năng nhập khẩu của họ sẽ giảm đi. Một số thị trường mà Việt Nam nhắm đến có thể bị hạn chế. “Xuất khẩu cá tra Việt Nam sắp tới sẽ có thay đổi mạnh. Vấn đề là chúng ta cần chú trọng và tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. “Việc Trung Quốc thu hoạch cá tra nuôi được ở Hải Nam cần có thêm những kiểm tra, đánh giá sâu hơn, nhưng cho thấy với trình độ phát triển công nghệ hiện nay rõ ràng việc này sẽ ảnh hưởng đến ngành hàng cá tra Việt Nam”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định.
Cùng lúc này VASEP cho biết, thời gian gần đây tại Rumania, trên nhiều tờ báo mạng đã đăng thông tin sai lệch về ngành cá tra Việt Nam. Thậm chí truyền thông còn “chơi xấu” khi khuyến nghị người dân không ăn, tẩy chay cá tra. “Hiện có khoảng 10 thị trường xuất hiện thông tin mang tính bôi nhọ một chiều, không chính xác về thủy sản Việt Nam”, ông Trương Đình Hòe cho biết. Đây không phải là lần đầu tiên cá tra Việt Nam bị bôi nhọ trên thị trường quốc tế. Năm 2017, cá tra Việt Nam cũng “dính phải đòn bẩn” từ một chương trình của đài truyền hình tại Tây Ban Nha, thông tin không chính xác về cá tra. Cụ thể, họ “bôi bẩn” bằng cách nói cá tra nuôi lồng bè không sạch, thức ăn không được chế biến theo quy chuẩn công nghiệp mà từ cá chết và các loại phế phẩm khác… Việc “bôi bẩn” đã làm thị phần xuất khẩu cá tra giảm khoảng 20% ở thị trường châu Âu. “Trước mắt, chúng tôi đã kiến nghị trực tiếp đến các cơ quan truyền thông yêu cầu đính chính thông tin. Đồng thời, cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng và chính xác về tình hình chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam cho các đối tác châu Âu, sau đó nhờ các tổ chức chứng chận tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, về bảo vệ môi trường lên tiếng. VASEP đang phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện chiến lược quảng bá và các hoạt động khác nhằm giúp xây dựng hình ảnh cho sản phẩm cá tra tại thị trường này”, ông Trương Đình Hòe cho biết.
Quảng bá riêng biệt cho ngành cá tra
Việc cá tra Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường trong 2 năm qua đã tạo ra sự tăng trưởng khả quan. Năm 2018 được xem là năm ngành xuất khẩu cá tra đột phá, kim ngạch xuất khẩu có khả năng sẽ đạt hơn 2 tỷ USD. “Để ngành cá tra phát triển bền vững, các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi, đến chế biến, xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, ưu tiên hàng giá trị gia tăng. Xác định khâu liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp là quan trọng, nhằm gia tăng xuất khẩu cá tra trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ ra.
Nhằm chủ động bác bỏ các thông tin sai lệch về hình ảnh cá tra trên thương trường, nhiều doanh nghiệp đề xuất: Ngành thủy sản và các doanh nghiệp của Việt Nam cần tương tác nhiều hơn nữa với khách hàng nước ngoài, để có thể phản hồi và cung cấp thông tin chính xác về chất lượng sản phẩm. Thương vụ Việt Nam tại các nước cần phối hợp với các đối tác sở tại như: Hiệp hội Ngoại thương châu Âu, Hiệp hội Các nhà bán buôn và bán lẻ châu Âu, Phòng thương mại…, qua đó chuyển tải những thông tin cập nhật và khách quan, mang tính đại diện tới người tiêu dùng tại các nước.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, chính quyền cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê cao cấp; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng. Nghiên cứu hình thành trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL tại Cần Thơ. Trung tâm logistics đạt chuẩn quốc tế sẽ đảm bảo chất lượng hàng hóa của cá tra Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế như các trung tâm giao dịch Trung Quốc, Singapore.
Cuối năm ngoái, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Tuần lễ Triển lãm cá tra của ĐBSCL tại thủ đô Hà Nội. Đây là việc làm thiết thực nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra và một số sản phẩm thủy sản khác tại thị trường trong và ngoài nước, trong đó hướng đến thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Các chuyên gia cho rằng, cần quảng bá thương hiệu cá tra Việt Nam tại các hội chợ quốc tế và trong nước. Chính phủ cần ủng hộ thông qua chương trình hội chợ cho ngành cá tra riêng biệt mà từ lâu nay được thực hiện chung chung thông qua gian hàng Việt Nam với đủ loại thủy sản Việt Nam. Thiết nghĩ, đây là những đề xuất chính đáng mà Chính phủ cần quan tâm để ngành hàng cá tra Việt Nam vượt qua những thách thức mới!
Theo Bộ NN-PTNT đến nay, ĐBSCL đã nuôi hơn 4.000 ha cá tra thương phẩm( bằng 106% so với cùng kỳ năm 2017),diện tích thu hoạch là 2.335ha, sản lượng đạt 814.086 tấn. Đến cuối tháng 7-2018, đã xuất khẩu cá tra đạt 1,2 tỷ USD, tăng 19,3 % so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường nhập khẩu nhiều cá tra là Trung Quốc , Hoa Kỳ , EU... |