Ngành bảo hiểm thiệt nặng vì thiên tai trong năm 2020

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão nhiệt đới, lũ lụt, mưa lớn và hạn hán - hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu - đã ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới trong năm 2020.

Kỷ lục về bão

Vào thời điểm mùa bão kết thúc vào ngày 30-11, riêng Đại Tây Dương đã có 30 cơn bão, nhiều nhất trong một mùa từ trước tới nay. Gần như toàn bộ đường bờ biển của Mỹ trong năm 2020 đều hứng chịu các cơn bão nhiệt đới. Nhưng có lẽ đặc điểm nổi bật của mùa bão Đại Tây Dương 2020 là số lượng các cơn bão di chuyển nhanh và sức gió mạnh khi đổ bộ trong khoảng thời gian 24 giờ. Sự mạnh lên nhanh chóng của các cơn bão năm nay, cùng với xu hướng di chuyển nhanh gần đất liền, đồng nghĩa sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc dự báo cũng như ứng phó với các cơn bão trong tương lai.

Bão Laura gây ngập lụt tại bang Florida, Mỹ tháng 8-2020
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải đối mặt với số lượng kỷ lục các thảm họa liên quan đến khí hậu vào năm 2020, trong đó có Việt Nam và Philippines với ước tính có đến hơn 31 triệu người bị ảnh hưởng. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 16-12 cho biết, họ đã phải ứng phó với 24 cuộc khủng hoảng liên quan đến khí hậu trong năm nay ở khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới (năm 2019 có 18 cuộc) bao gồm lũ lụt, bão, lạnh giá và hạn hán. Đông Nam Á là khu vực bận rộn nhất của IFRC vào năm 2020, với 15 lần ứng phó khẩn cấp cho các thảm họa bao gồm lũ lụt, bão và lở đất nghiêm trọng ở Philippines và Việt Nam.


Jess Letch, người quản lý hoạt động khẩn cấp của IFRC, cho biết, thách thức lớn nhất là giúp đỡ các cộng đồng thông qua viện trợ, cứu trợ, đồng thời thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Cơ quan này dự kiến những tác động như vậy sẽ trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.

Thiệt hại chưa từng thấy

Ngày 15-12, tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ cho biết, thảm họa tự nhiên và do con người gây ra từ đầu năm đến nay ước tính gây thiệt hại 187 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2019. Trong đó, riêng thảm họa tự nhiên gây thiệt hại 175 tỷ USD, chủ yếu là do sự gia tăng bất thường các cơn bão, cháy rừng. Con số này cao hơn nhiều so với mức thiệt hại 139 tỷ USD trong năm 2019 do thiên tai gây ra, song vẫn thấp hơn mức thiệt hại trung bình của 10 năm gần đây là 202 tỷ USD. Cũng theo Swiss Re, số tiền trên còn chưa tính đến các thiệt hại liên quan tới đại dịch Covid-19.

Swiss Re cho biết, các hãng bảo hiểm cho đến nay đã chi 83 tỷ USD bồi thường cho các thảm họa, khiến năm 2020 là năm thứ 5 liên tiếp tốn kém của ngành bảo hiểm kể từ năm 1970. Các thảm họa ở Mỹ như bão kèm sấm sét nghiêm trọng, lốc xoáy, lũ lụt và cháy rừng chiếm 70% trong số 76 tỷ USD mà các hãng bảo hiểm chi trả cho những thiệt hại do thảm họa tự nhiên gây ra ở nước này. Swiss Re lưu ý, biến đổi khí hậu có thể sẽ làm trầm trọng thêm những mối đe dọa như vậy, gây thêm nhiều thảm họa thời tiết cực đoan hơn như cháy rừng và lũ lụt.

Trong một tuyên bố gần đây, nhà kinh tế trưởng của Swiss Re, Jerome Jean Haegeli, cảnh báo: “Cùng với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu sẽ là thử thách lớn đối với khả năng ứng phó của toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi dịch Covid-19 sẽ có một thời điểm kết thúc, biến đổi khí hậu lại không như vậy và những thất bại trong việc phục hồi “xanh” nền kinh tế toàn cầu sẽ làm tăng chi phí cho xã hội trong tương lai”.

Ngày 15-12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức gia nhập Mạng lưới các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát thúc đẩy xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS), có mục tiêu thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giải quyết các rủi ro môi trường đối với hệ thống tài chính. Động thái mới của FED cho thấy, khả năng Mỹ sẽ gia tăng vai trò dẫn dắt, góp phần định hình phản ứng của các thị trường tài chính thế giới đối với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục