Ngành bán lẻ thay đổi trước sức ép lạm phát

Trong giai đoạn khó khăn vì sức ép lạm phát như hiện nay, ngành bán lẻ đang phải đối mặt với việc suy giảm sức mua. Do đó, các nhà bán lẻ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như giảm giá sớm, quy mô lớn và kéo dài hơn để thúc đẩy sức mua.
Bán lẻ đang bước vào giai đoạn nước rút cuối năm
Bán lẻ đang bước vào giai đoạn nước rút cuối năm

Cạnh tranh bằng chất lượng và hậu mãi

Theo các chuyên gia, ảnh hưởng từ lạm phát trên thế giới đã khiến đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng như da giày, dệt may, gỗ… suy giảm. Kéo theo đó là làn sóng cắt giảm lao động hoặc cho công nhân nghỉ tết sớm ở các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… Điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ ở TPHCM trong mùa tiêu dùng cuối năm nay khi một bộ phận người dân kéo nhau về quê sớm hoặc tiết giảm trong mua sắm.

Trong một báo cáo được đưa ra bởi bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset vào tháng 12-2022, ngành bán lẻ đang phải đối mặt nhiều áp lực, nhất là áp lực từ phát triển kinh tế giảm tốc. Một trong nguyên nhân chính là vì tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng trở lại do cắt giảm nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh gia tăng. Có thể thấy áp lực đối với ngành bán lẻ trong mùa tiêu dùng cuối năm là hiện hữu, chưa kể chính các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang phải đối mặt áp lực cạnh tranh khốc liệt, buộc họ phải có những giải pháp khác nhau để thu hút khách.

Vào thời điểm này, ngoài chuẩn bị hàng hóa tết đa dạng, chất lượng và cam kết giữ giá thì các nhà bán lẻ đã phải đưa ra những hoạt động khuyến mãi, tặng quà, hoặc hậu mãi “đậm” hơn trước đây nhằm thu hút khách. Điển hình như với thị trường giỏ quà tết. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ giữa tháng 10-2022 tới nay, các doanh nghiệp từ sản xuất đến phân phối đều đưa ra những mẫu quà riêng với đa dạng mức giá, và đặc biệt là chào hàng mức chiết khấu rất cao cho khách mua số lượng lớn. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, chia sẻ, đối với nhóm bánh kẹo, quà tết, hệ thống siêu thị Saigon Co.op áp dụng chính sách khuyến mãi, chiết khấu đến 15% cho khoảng 3 triệu giỏ quà tết, được gói theo yêu cầu của khách hàng và doanh nghiệp. Đáng chú ý, lần đầu tiên nhà bán lẻ này thiết kế giỏ quà tết bằng thực phẩm tươi sống là hàng nhập khẩu cao cấp như thịt bò, thịt heo, thịt gà, tôm, cua, cá, bào ngư… Và giá các giỏ quà cũng khá đa dạng, mức thấp nhất là 194.000 đồng/giỏ để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa. Thậm chí, theo ông Thắng, nhà bán lẻ này còn thực hiện dịch vụ giao giỏ quà gần như miễn phí tại hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước nơi có siêu thị Co.opmart hoạt động.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để vượt qua thời điểm đầy áp lực như hiện tại, ngoài những giải pháp trên, về lâu về dài, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ phải tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua các mô hình kinh doanh mới, tìm các hướng đi mới nhằm giữ vững đà tăng trưởng. Theo đó, với những mảng kinh doanh thử nghiệm nếu có kết quả ban đầu khả quan thì có thể phát triển tiếp, còn với những mảng chưa thật sự khả quan thì tạm thời dừng mở rộng để tối ưu hóa và đánh giá lại mô hình hoạt động.

Chờ sự bứt phá trong năm 2023

Mặc dù thời điểm này bán lẻ đang bị ảnh hưởng từ làn sóng lạm phát toàn cầu, song theo Bộ Công thương, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn với quy mô thị trường dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025. Và trong 11 tháng đầu năm 2022, dù còn nhiều khó khăn, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước vẫn tăng 20,5% so với cùng kỳ.

Từ kết quả này, theo ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc, đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ở chiều tích cực, tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập bình quân, cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú... cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng.

Thêm vào đó, theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong 2 năm đại dịch bùng phát mạnh, một số nhà bán lẻ đã phải đóng cửa bớt, chỉ giữ lại những địa điểm bán tốt. Nhưng năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy họ sẽ mở cửa trở lại, thậm chí tìm kiếm thêm mặt bằng mới để mở rộng hệ thống cũng như thị trường. Chính vì vậy, dự báo năm 2023, ngành bán lẻ sẽ phát triển mạnh đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung. Đây sẽ là năm phục hồi thực sự của ngành bán lẻ sau đại dịch.

Tin cùng chuyên mục