Được đánh giá là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu theo xếp hạng của hãng nghiên cứu thị trường A.T.Kearney, sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Ngay từ những năm đầu thập niên 2000, thị trường bán lẻ Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, bình quân 25%/năm và gia tăng rõ rệt khi Việt Nam gia nhập WTO. Thậm chí, các năm 2007-2009, khi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, tỷ lệ tăng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì từ 18-25%.
Vì thế thị trường giai đoạn này đã khá nhộn nhịp với sự tham gia của các DN ngoại như Cora (của Pháp, sau này là Central Retail), Parkson (Malaysia), Metro (của Đức, sau thuộc Thái Lan), Melinh Plaza (Bahamas) đã nhanh chóng tham gia thị trường. Trong nước, các hệ thống như Saigon Co.op, Satra, Hapro cũng từng bước đặt nền móng, giúp thị trường đi theo hướng phát triển hiện đại, kết nối được các nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu hàng hóa, dịch chuyển theo thị trường các vùng dân cư, tạo nên sự tiện lợi trong mua sắm, tiêu dùng.
Tuy vậy, tháng 1-2015, khi Việt Nam chính thức cho phép các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam thì thị trường càng trở nên khốc liệt hơn. Theo đó, hàng loạt tên tuổi lớn như Aone (Nhật Bản); Lotte (Hàn Quốc); Cresent Mall (Đài Loan) và các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, Singapore đã lần lượt đổ bộ vào Việt Nam. Các nhà đầu tư này có chiến lược đầu tư bài bản nhằm mục đích chiếm lĩnh thị phần bán lẻ được đánh giá là có tiềm năng của Việt Nam. “Các nhà bán lẻ trên thế giới đều chung nhận định Việt Nam là thị trường béo bở, với dân số trên 100 triệu người và sức mua của người dân rất tốt. Do đó, nhiều nhà bán lẻ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam và thị trường bán lẻ Việt Nam còn phát triển hơn nữa”, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đánh giá.
Trước sự gia nhập ồ ạt của các nhà bán lẻ ngoại, các DN bán lẻ nội địa đã và đang từng bước học hỏi theo xu thế phát triển của thế giới để nâng sức cạnh tranh, giành lại thị trường. Theo đó, ở phân khúc trung tâm thương mại, các tên tuổi nội như Vincom, Vạn Hạnh Mall, Sense City… từng bước tạo chỗ đứng và đầu tư cho mình một mô hình phát triển lý tưởng, có bản sắc riêng. Đối với phân khúc bán lẻ siêu thị, các tên tuổi nội như Saigon Co.op, Satra, Winmart… đang không ngừng đổi mới mô hình hoạt động, thích ứng với các xu thế thay đổi của thị trường để chiếm lĩnh thị phần.
Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nếu như ở thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ ở nội địa thuộc về DN nước ngoài, thì đến nay, DN bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước. Trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ nội, các DN Việt cho biết, dù thị trường có nhiều cạnh tranh, song với lợi thế am hiểu người tiêu dùng Việt cùng sự thay đổi để bắt nhịp xu thế, DN tin tưởng sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc.
Điển hình như Saigon Co.op, nhà bán lẻ thuần Việt với bề dày trên 30 năm đang giành vị thế dẫn đầu trên thị trường với gần 1.000 điểm bán phủ đều ở hầu hết các phân khúc. Để làm được điều này, Saigon Co.op cho biết phải liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu… Nhờ vậy, năm 2022, dù thị trường còn khó khăn, song doanh số của Saigon Co.op vẫn đạt 30.888 tỷ đồng, đứng đầu thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, với xu hướng mở cửa hội nhập sâu rộng, xu thế sáp nhập, thâu tóm trong lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục diễn ra. Làn sóng công nghệ 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiêu dùng buộc nhà bán lẻ phải thay đổi mô hình kinh doanh.
Nhằm hạn chế những tồn tại và ứng phó với những thách thức của thời cuộc, thời gian tới, các DN bán lẻ phải dành nguồn lực tài chính không nhỏ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 cũng sẽ giúp DN bán lẻ có thêm khách hàng trung thành cũng như thu hút khách hàng tiềm năng. Những xu hướng công nghệ mới buộc các nhà bán lẻ phải đầu tư nhiều hơn, tinh tế hơn, sáng tạo hơn…
Trong cuộc đua cạnh tranh này, Saigon Co.op cho biết đã có những định hướng, chiến lược đề ra cụ thể để giành và giữ vững thị phần. Cụ thể, trong chiến lược hoạt động năm 2023, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, nhà bán lẻ này đã đề ra định hướng tiếp tục tập trung nguồn lực để chấn chỉnh, củng cố các hoạt động của hệ thống, nâng cao hiệu quả kinh doanh, trong đó lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo tích lũy và nền tảng phát triển bền vững cho các năm tiếp theo. “Chúng tôi phấn đấu doanh thu tăng 4,5% so với năm 2022. Do đó ngay từ đầu năm những giải pháp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí bỏ ra, tính chất công việc được chúng tôi thực hiện đo lường rõ ràng. Thứ nhất là liên quan đến cấu thành chính của hoạt động bán lẻ như chuỗi logistics, hệ thống kho vận sẽ được tổ chức lại bài bản, khoa học hơn. Thứ hai, công tác phát triển thương mại điện tử, điện toán hóa, số hóa cũng được tập trung đầu tư. Với hoạt động này, lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam đầu tư còn khiêm tốn so với DN ngoại, tuy vậy chúng tôi xác định tập trung cho thương mại điện tử là đầu tư cho tương lai và cho những biến động phù hợp với xu hướng tiêu dùng”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm.