Ngang qua bình minh là tác phẩm viết về biển đảo với hình tượng người thủy thủ - chiến sĩ Hải quân trên những con tàu làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Đây được ví như “sợi dây” yêu thương kết nối đất liền với hải đảo. Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ, tập trường ca là kết quả sau chuyến công tác của chị ra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019.
"Đây là tác phẩm thực sự mới mẻ trong cách thể hiện nhưng bi tráng và rộng lớn về một đề tài mà dễ “gục ngã” nhất vì chính nội dung của nó. Nhưng tác giả đã vượt qua cái “hố sâu” của một đề tài rất quen thuộc. Cách triển khai trường ca của tác giả bất ngờ, ngôn ngữ đẹp, ý tưởng sâu sắc và sức gợi mở rộng." - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định.
Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội): “Ngang qua bình minh là khúc ca bi tráng về những người lính kiên trung, bất khuất ấy ở cả chiều kích rộng lớn, hào sảng: tình yêu Tổ quốc, biển cả, tinh thần quyết tử bảo vệ chủ quyền đất nước lẫn những xúc cảm riêng tư, sâu lắng… Nhờ đặc trưng bao quát và “ôm chứa” thể loại, bố cục này tạo cơ hội cho tác giả triển khai mạch tư tưởng, cảm xúc và hình tượng trữ tình trong sự phong phú, linh hoạt, uyển chuyển, đan xen giữa chất sử thi và thế sự, hùng ca và bi ca, giữa câu chuyện “thời sự” có tính thời điểm liên quan tới chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”.
Nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh nhận xét về tác phẩm trong bài viết Trái tim người từ lòng biển vút lên: Ngang qua bình minh của Lữ Mai có 8 chương gọn ghẽ, cô đọng. Chị cấu trúc triển khai tác phẩm theo mô hình khá quen thuộc: mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương. Nhưng, chị đã biết lạ hóa mô hình quen thuộc ấy bằng sự kết hợp nhiều yếu tố song trùng: thực và mơ, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa tự hào và đau thương, giữa sự sống và cái chết,... Chị sử dụng yếu tố kì ảo để tạo dựng cuộc gặp gỡ, trò chuyện "người đã khuất thức cùng người sống". Những câu chuyện về người lính, đàn bà, thiếu nữ, trẻ con,… ở Điêu Lương lúc xuất hiện cõi dương, lúc cõi âm, lúc đất liền, lúc ngoài hải đảo, tách biệt và hòa nhập đều hết sức bất ngờ. Lữ Mai dựng chân dung người lính hải quân không đơn thuần chỉ là những công việc, thử thách mà họ đang hằng ngày đối mặt, mà ở đó, chị còn làm đầy lên thế giới tâm hồn, tình cảm hết sức chân thành của những người lính tuổi đôi mươi. Trong tương quan với không gian biển, nỗi niềm của họ trở nên thật hơn. Biển được chị nhìn như “cái tử cung mang giữ sự sống”, luôn ôm chứa tình mẫu tử thiêng liêng: “vòng tay mẹ hãy rộng dài nhấp nhô vỗ về như biển/đủ cho tất cả chúng con”.