Ngang nhiên xà xẻo, lấn chiếm đầm, hồ, kênh rạch

Phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP, bạn đọc cho biết, tại khu vực ĐBSCL, nhiều hồ, đầm, kênh rạch bị lấn chiếm, xà xẻo làm ao nuôi thủy sản, công trình nhà ở, điểm kinh doanh du lịch trái phép. Hậu quả, hệ sinh thái bị phá vỡ, môi trường bị ô nhiễm, cảnh quan thêm nhếch nhác.

Đủ kiểu lấn chiếm

Đầm Đông Hồ (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) có diện tích hơn 1.380ha, là một trong những đầm nước mặn lớn nhất ĐBSCL và nằm trong vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đến đầm Đông Hồ những ngày giữa tháng 9-2024, chúng tôi thấy rất nhiều diện tích trong đầm bị người dân bao chiếm, đắp bờ đập, cải tạo làm vuông nuôi hải sản. Tại đây, có 2 trường hợp lấn chiếm đầm với diện tích rất lớn, là bà Lữ Minh H. (31 tuổi) với diện tích hơn 100.000m² và bà Nguyễn Thị Mỹ T. (23 tuổi, cùng ngụ ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên, TP Hà Tiên) với khoảng 66.300m².

Ông Trần Văn Bảy (ở phường Đông Hồ, TP Hà Tiên), cho biết, tình trạng đầm Đông Hồ bị lấn chiếm trái phép diễn ra nhiều năm qua. “Ban đầu, một vài người đến chiếm chừng 5.000m² mặt nước đầm làm vuông nuôi tôm. Thấy địa phương không xử lý, nhiều người khác cũng vào chiếm. Có người đến chiếm, đắp bờ khoanh vùng rồi bán giấy tay cho người khác”, ông Bảy cho hay.

&4c.jpg
Nhà nghỉ, nhà hàng xây dựng trên đầm Thị Tường, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tấn Thái

Được xem là “Biển Hồ của đất chín rồng”, đầm Thị Tường (Cà Mau) cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều diện tích của đầm này đã và đang bị lấn chiếm làm vuông nuôi sò, vòm xanh... Trên mặt đầm, nhiều công trình xây dựng ngang nhiên mọc lên, trong đó có 3 công trình của Hợp tác xã đầm Thị Tường, gồm: 1 nhà hàng trung tâm, 1 nhà nấu ăn và 1 nhà nghỉ (7 phòng).

Ông Phan Tấn Hùng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã đầm Thị Tường, phân trần rằng khi xây dựng công trình, hợp tác xã có xin phép và được lãnh đạo địa phương đồng ý. Cụ thể, ngày 29-11-2011, ông Võ Trường Giang (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân) ký ban hành Công văn số 1431/UBND cho chủ trương xây dựng nhà sàn trên đầm Thị Tường, thống nhất cho hợp tác xã xây cất 3 căn nhà sàn. Đến ngày 18-8-2012, ông Phạm Triều Thẳng (lúc này là Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ) ký ban hành công văn chấp thuận vị trí cho xây dựng.

“Đầm Thị Tường do Nhà nước quản lý, chưa được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái. Do đó, việc chấp thuận chủ trương cho xây dựng công trình trên đầm là không đúng. Cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, thanh tra làm rõ, không để vi phạm, sai phạm phát sinh, tồn tại kéo dài”, ông Bảy Cẩm, một người dân địa phương, bức xúc phản ánh.

Tại ĐBSCL, hiện có nhiều sông, kênh, rạch cũng bị lấn chiếm làm công trình, nhà ở, lồng bè nuôi thủy sản. Thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho thấy, toàn tỉnh hiện có 45.157 công trình, nhà ở lấn chiếm sông, kênh, rạch; trong đó có 40.298 nhà ở; còn lại là lồng bè. Các công trình này gây mất an toàn giao thông thủy, ô nhiễm môi trường, nguy cơ làm sạt lở bờ sông.

Sẽ xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm

Trao đổi với PV Báo SGGP về công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường tại đầm Thị Tường (Cà Mau), ông Phạm Triều Thẳng, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân) cho biết, qua phản ánh của người dân cũng như thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, thời gian qua, xã đã kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều công trình xây cất trái phép trên đầm. “Tuy nhiên, việc xử lý chưa triệt để, trong đó có các công trình xây dựng của Hợp tác xã đầm Thị Tường đang tồn tại”, ông Phạm Triều Thẳng giãi bày.

Đại diện Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Cà Mau cho biết, vừa có kết luận thanh tra và phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến các công trình xây dựng của Hợp tác xã đầm Thị Tường trên đầm Thị Tường. Cụ thể, việc ông Võ Trường Giang (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân) ký công văn cho chủ trương và ông Phạm Triều Thẳng (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ) ký công văn chấp thuận vị trí cho xây dựng công trình trên đầm Thị Tường là thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật về đất đai và xây dựng.

Đối với Hợp tác xã đầm Thị Tường, dù được lãnh đạo UBND huyện Phú Tân và UBND xã Phú Mỹ chấp thuận cho đầu tư xây dựng, nhưng không thực hiện thủ tục về đất đai, không xin phép xây dựng, đối tượng đầu tư không đúng chủ trương (dãy nhà nghỉ 7 phòng), chưa có hồ sơ pháp lý về đất đai.

“Từ những vi phạm trên, Thanh tra Sở TN-MT đã kiến nghị Giám đốc Sở TN-MT báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan. Hợp tác xã đầm Thị Tường phải tháo dỡ, di dời các công trình xây dựng trái phép tại đầm, trả lại đất cho Nhà nước quản lý trong năm 2024”, đại diện Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Cà Mau cho hay.

Ông Mai Quốc Thắng, Chủ tịch UBND TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) xác nhận, nhiều diện tích đầm Đông Hồ đang bị một số cá nhân lấn chiếm. Chính quyền và ngành chức năng đang tập trung giải quyết, tuy nhiên công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn, do các đối tượng lấn chiếm tìm cách ngăn cản, chống đối.

Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 500 triệu đồng đối với 4 trường hợp lấn chiếm diện tích khoảng 30ha; buộc các cá nhân vi phạm khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tháng 7-2024, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu giải quyết khoảng 50% trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch đã tồn tại trước đây (tương đương 22.579 trường hợp). Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến hơn 1.951 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước theo phân cấp; huy động, lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt và nguồn vốn hợp pháp khác.

Tin cùng chuyên mục