Ngang nhiên phá rừng trồng thanh long

Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như bỏ chất độc, dùng cưa máy triệt hạ,… hàng loạt khu rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã bị những đối tượng triệt hạ không thương tiếc để chiếm đất trồng thanh long.
Hàng loạt cây rừng thuộc tiểu khu 302A, Khu BTTN Tà Cú bị các đối tượng đầu độc và triệt hạ
Hàng loạt cây rừng thuộc tiểu khu 302A, Khu BTTN Tà Cú bị các đối tượng đầu độc và triệt hạ

Sự việc đã diễn ra nhiều năm, nhưng đến nay vẫn không truy tìm được các đối tượng, khiến những cánh rừng nơi đây đang ngày một mất đi.

Rừng chết đứng, thanh long tốt tươi

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi quay trở lại những cánh rừng ở tiểu khu 302A thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Cú, nơi mà cách đây khoảng 2 năm, tình trạng phá rừng để chiếm đất trồng thanh long diễn ra phức tạp. Trước đây, những đám rừng bị các đối tượng cưa hạ nham nhở, nay đã không còn dấu hiệu của cây rừng, đất rừng đã được dọn phẳng để chuẩn bị xuống trụ trồng thanh long.

Tiếp tục men theo bìa rừng thuộc khu vực trên, nhiều vạt rừng khác bị đầu độc chết đứng, nhiều cây rừng đường kính 15 - 40cm bị cưa hạ trơ gốc nằm rạp bên những rẫy thanh long đang tốt tươi. Khu vực rừng bị tàn phá nói trên thuộc tiểu khu 302A, với diện tích rừng bị phá hơn 3.200m². Trong số này, ngoài những cây rừng bị triệt hạ bằng cưa máy thì có hơn 2.000m2 bị các đối tượng khoan gốc rồi bỏ thuốc độc khiến cây chết đứng. Theo ghi nhận, mặc dù khu vực phá rừng trên đã được ngành chức năng phát hiện, lập hồ sơ vụ việc nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều cây rừng vẫn đang bị các đối tượng lén lút cưa hạ, vết còn rất mới và chưa có dấu kiểm tra của ngành chức năng. Trước đó, đơn vị quản lý rừng nơi đây cũng phát hiện nhiều vụ đầu độc cây tương tự để chiếm đất sản xuất nhưng không tìm được thủ phạm.  

Đại diện Khu BTTN Tà Cú thừa nhận, việc các đối tượng phá rừng bằng cưa máy đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, hình thức đầu độc cây rừng thì mới xảy ra cách đây khoảng 2 năm. “Hình thức phá rừng này rất khó phát hiện vì sau khi bỏ thuốc độc thì phải 2 - 3 tháng sau cây mới chết. Các đối tượng thường lén lút làm vào ban đêm và vị trí phá rừng lại sát những rẫy thanh long của người dân địa phương nên rất khó phát hiện”, ông Võ Hữu Phương, Phó Giám đốc phụ trách Khu BTTN Tà Cú, cho biết.

Chưa có “thuốc” trị

Theo thống kê của Khu BTTN Tà Cú, từ năm 2019 đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã phát hiện 14 vụ phá rừng với diện tích rừng bị thiệt hại hơn 12.000m2. Đặc biệt, trong năm 2019, Khu BTTN Tà Cú ghi nhận hơn 13ha rừng sản xuất, rừng đặc dụng bị các đối tượng lấn chiếm để trồng thanh long tại nhiều tiểu khu. Trong đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trồng thanh long trong khu bảo tồn xảy ra nghiêm trọng từ năm 2018 đến nay, chủ yếu xảy ra tại địa bàn 3 xã Tân Thuận, Tân Thành và Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam). Trong khi tại xã Thuận Quý, 3 vụ phá rừng được đơn vị quản lý rừng phát hiện chuyển hồ sơ cho cơ quan liên quan thì đều nhanh chóng tìm được các đối tượng nên các vụ phá rừng giảm hẳn. Còn các vụ việc xảy ra tại các xã còn lại đến nay vẫn “án binh bất động” khiến tình hình ngày càng phức tạp.

“Từ trước đến nay, tất cả các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng thanh long đơn vị đều phát hiện kịp thời và đều lập hồ sơ đề nghị các đơn vị liên quan vào cuộc truy tìm đối tượng để xử lý. Tuy nhiên, quá trình điều tra của các cơ quan liên quan còn chậm trễ, các vụ vi phạm lâm luật trong khu bảo tồn thuộc xã Tân Thuận đến nay chưa tìm được đối tượng nào khiến vụ việc kéo dài, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vị phạm”, ông Võ Hữu Phương thẳng thắn cho biết.

Khu BTTN Tà Cú được đánh giá là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp. Những năm qua, trước sự phát triển nóng của đất trồng thanh long nên nhiều diện tích đất rừng nơi đây bị xâm hại. Hiện tại, việc nhanh chóng tìm ra các đối tượng xâm hại rừng sẽ là “liều thuốc” đặc trị để chấm dứt tình trạng trên.

Tin cùng chuyên mục