Điểm gần nhất cách Đồn biên phòng Cồn Roàng (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) khoảng 1km; người dân đã trình báo với đồn biên phòng này từ sớm nhưng không có động thái quyết liệt khiến lâm tặc ngang nhiên mở đường vận chuyển gỗ. Trong khi đó, kiểm lâm ở đây cũng không hay biết.
Phóng viên Báo SGGP đã vào Hung Máy Bay và Hung Chuối thuộc địa phận bản Cóc (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) ghi nhận hiện trường vụ phá rừng này là hết sức nghiêm trọng. Anh Đinh K. (một người dân bản địa) dẫn đường cho chúng tôi, nói: “Vụ phá rừng này không phải do dân bản ở đây làm. Người dân chúng tôi đã báo cáo vụ việc với Đồn biên phòng Cồn Roàng từ mấy tháng trước, người ở xã Sơn Trạch lên trú tại bản Cóc thu mua gỗ mun trái phép rất ngang nhiên nhưng không thấy cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý”.
Theo ghi nhận, lâm tặc còn làm các tam cấp lên xuống ở khu vực núi đất dựng đứng để vận chuyển gỗ thuận tiện. Ở vùng núi đá tai mèo, chúng cho đóng các thanh gỗ thành sàn để đưa gỗ ra khỏi hiện trường sau khi cưa xẻ. Để công việc phá rừng suôn sẻ, chúng còn lập… một trang thờ thắp hương khấn vái.
Kiên quyết xử lý nghiêm
Đinh K. kể: “Tại bản Cóc có ông Mai Văn Dinh, trước đây trú ở Sơn Trạch, nay chuyển hộ khẩu về bản, tàng trữ nhiều gỗ mun. Khi bị phát giác, kiểm lâm đã đến bắt”. Với thông tin này, ông Nguyễn Hoài Nam, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thương Trạch (thuộc Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng), cho biết: “Ở nhà ông Dinh đã thu giữ 40 thanh gỗ mun, gần 1m3, 2 hộp gỗ gáo”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phá rừng ở đây được các nhóm đối tượng tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp. Theo đó, có 3 nhóm đối tượng với 6 người đang tung hoành ở xã biên giới Thượng Trạch. Nhóm 1 có tên Trung Troạng (nhỏ) và Tăng Máu (ở xã Sơn Trạch) lên thuê dân bản gùi gỗ mun từ rừng ra. Nhóm 2 là Trung Troạng (to), Hà Mã (cũng ở Sơn Trạch) lên quản lý, cảnh giới việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Nhóm thứ 3 (ở thôn Bồng Lai, xã Hưng Trạch) lên đóng lán khai thác gỗ ở khu vực biên giới.
Theo tìm hiểu, hiện gỗ mun có giá dao động 150 - 175 triệu đồng/m3, thị trường rất khan hiếm gỗ mun nên loại gỗ này được bán từng ký. Giá đắt như vậy đã khiến lâm tặc liều mình để vào rừng Phong Nha - Kẻ Bàng cưa hạ gỗ mun trong vùng lõi, gây sự rúng động cả vùng biên giới. |
Người dân địa phương khẳng định, số gỗ mun tại nhà Mai Văn Dinh khi vận chuyển đều đi ngang qua Đồn biên phòng Cồn Roàng. Trong hơn 70m3 gỗ bị chặt hạ trong vùng lõi di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, lâm tặc mới đưa được ra khỏi rừng khoảng 4,6m3.
Khi nói về trách nhiệm, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết sẽ nhận các hình thức kỷ luật vì phụ trách địa bàn xảy ra vụ phá rừng. Ông Nam cũng nói thêm, trạm có 8 người nhưng đảm bảo 26.000ha rừng vùng lõi là nhiệm vụ rất nặng nề. Còn ông Lê Thanh Tịnh thông tin, với tư cách là lãnh đạo VQG và chủ rừng, ông sẽ chịu các hình thức kỷ luật của UBND tỉnh khi có kết luận. “Vụ việc này Ban quản lý VQG đã chủ động làm mạnh, cho dù bị kỷ luật nặng cũng phải gửi đi thông điệp rằng rừng di sản hay bất cứ loại rừng gì cũng không thể tàn phá như thế. Nếu kiểm lâm của VQG dính dáng vào, chúng tôi cũng không bao che”, ông Tịnh khẳng định.
Phía Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, trách nhiệm của lực lượng biên phòng là bảo vệ biên giới, tuần tra đường biên, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng ngăn chặn việc khai thác lâm sản trái phép. Sự việc xảy ra như vừa qua, lực lượng biên phòng có trách nhiệm liên đới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn công tác để điều tra xác minh độc lập. Tinh thần là ai sai sẽ xử lý nghiêm, không bao che, dung túng.