Để đáp ứng nhu cầu “chơi sang” của một bộ phận người dân muốn trang trí nội thất bằng gỗ quý hiếm, việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh gỗ trái phép vẫn diễn ra công khai trong nhiều năm nay. Người mua kẻ bán tấp nập, loại gỗ gì cũng có, số lượng bao nhiêu cũng đáp ứng đủ. Gần đây, nhiều người bán chọn mạng xã hội để mời chào bán gỗ quý hiếm trái phép, vì dễ dàng tiếp cận được nhiều khách hàng, hơn nữa chỉ thực hiện giao dịch qua số điện thoại, không có địa chỉ cụ thể nên không lo gặp trở ngại.
Từ thông tin bạn đọc cung cấp qua đường dây nóng, phóng viên đã vào vai người có nhu cầu mua gỗ để kinh doanh dịp Tết Nguyên đán, liên hệ số điện thoại đang chào mời mua bán gỗ quý hiếm trên mạng xã hội, hỏi mua gỗ hương với số lượng lớn.
Người tiếp nhận cuộc gọi xưng tên H. cho biết: “Bên anh có cung cấp gỗ hương ở vùng núi Đắk Lắk hàng chuẩn loại 1. Loại gốc và thân cây tròn to, gỗ được bán theo khối lượng, từ 50 - 250 triệu đồng/tấn”. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn mua và nhờ vận chuyển vào TPHCM, người này nói thêm: “Nếu em mua với số lượng lớn thì bên anh bao công vận chuyển, có xe vận chuyển Bắc - Nam, đến tỉnh - thành nào cũng được. Nếu số lượng ít thì phải ghép chung với xe dịch vụ, xe khách để vận chuyển. Khi thống nhất được số lượng, em phải cọc 50% tiền hàng, sau khoảng 3 - 4 ngày là có gỗ”.
Tìm cách lách luật
Điều 22 Nghị định 157/2013 được sửa đổi bởi Nghị định 40/2015 quy định rõ: Người có hành vi vận chuyển lâm sản (bao gồm từ thời điểm tập kết lâm sản để xếp lên phương tiện vận chuyển hoặc đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp, hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng hồ sơ không phù hợp với lâm sản thực tế vận chuyển; gỗ không có dấu búa kiểm lâm theo quy định của pháp luật bị xử phạt hành chính 5 - 20 triệu đồng, tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vi phạm, tạm giữ xe hoặc giấy tờ xe và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để vận chuyển và kinh doanh trót lọt, các đối tượng khai thác gỗ quý hiếm trái phép thường xẻ cây và chế biến thành sản phẩm thô ngay trong rừng, rồi vận chuyển về xưởng sản xuất để hoàn thiện lại. Đây là chiêu mới của các đầu nậu gỗ nhằm lách luật, hợp thức hóa gỗ lậu, để đưa ra thị trường tiêu thụ. Thậm chí, một số đối tượng còn làm giả các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp cho gỗ lậu.
Hiện nay, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại sản phẩm gỗ quý hiếm được chế tác thành đồ mỹ nghệ như tượng ông địa, vòng đeo tay phong thủy, các loại bàn ghế, tủ gia đình... và được rao bán công khai. Vòng tay gỗ sưa phong thủy có giá khoảng 500.000 đồng/vòng. Các loại tượng thần tài, ông địa làm từ gỗ quý hiếm có giá khoảng 5 - 30 triệu đồng/tượng, tùy theo kích thước và loại gỗ. Thậm chí có những bộ bàn ghế làm từ gỗ hương, gỗ trắc được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều loại gỗ giả các loại gỗ quý hiếm, được chế tác và gắn dưới mác đồ phong thủy, rao bán rất nhiều. Người tiêu dùng rất khó phát hiện, phải những người trong nghề mới tinh ý phân biệt được, chủ yếu dựa vào kích thước, trọng lượng và mùi hương để xác định các loại gỗ.
Luật đã có đủ các quy định chế tài đối với tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Các cơ quan chức năng liên quan chỉ cần lên mạng xã hội cũng có thể dễ dàng lần ra các đường dây khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép gỗ quý hiếm. Không thể để rừng tiếp tục bị tàn phá, cũng như không thể để những kẻ xem thường pháp luật vẫn ung dung mua bán trái phép gỗ quý hiếm.