Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã có khoảng gần 130 bác sĩ ở các bệnh viện công xin nghỉ việc. Chỉ tính riêng tại Trung tâm Y tế TP Phan Thiết, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 6 bác sĩ nghỉ việc.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do điều kiện kinh tế, đồng lương thấp không đủ trang trải cho cuộc sống của các bác sĩ.
Nhằm bổ sung nguồn nhân lực bác sĩ tại các bệnh viện công đang bị thiếu hụt, HĐND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết số 12 về chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn.
Các bác sĩ cam kết làm việc tại các cơ sở công lập thuộc các ngành y tế, lao động thương binh và xã hội ở địa phương được nhận chế độ 1 lần 600 triệu đồng cho trình độ đại học; 700 triệu đồng cho bác sĩ nội trú, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I; 800 triệu đồng cho trình độ tiến sĩ, chuyên khoa cấp II.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận đang xem xét, có biện pháp xử lý dứt điểm đối với những bác sĩ sau khi được tiếp nhận vào làm việc, khi đủ thời gian cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì chủ động xin nghỉ việc hoặc bỏ việc.
Mặt khác, cử sinh viên đi đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng thông qua hình thức ký kết hợp đồng giữa ngành y tế và các cá nhân cần có các điều khoản quy định rõ ràng về trách nhiệm, cũng như quy định về đền bù kinh phí đào tạo trong hợp đồng. Có như vậy, các chính sách đãi ngộ, đào tạo nguồn nhân lực về phục vụ địa phương mới phát huy hiệu quả.
Thực tế cho thấy, để giữ chân được các bác sĩ công tác tại các đơn vị y tế công lập, ngoài các chế độ chính sách theo quy định, các đơn vị trong ngành y tế cần chủ động tạo điều kiện thuận lợi, môi trường làm việc tốt để các bác sĩ an tâm công tác.