Ngăn tín dụng đen sau mùa dịch

Ba tháng qua, dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của nhiều người trở nên khó khăn khi mất việc làm, thu nhập bị ảnh hưởng. Lúc này, nhu cầu vay tiêu dùng, vay vốn làm ăn rất lớn, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được với các nguồn vay chính thống. Trong lúc đó, những quảng cáo cho vay tiêu dùng bủa vây họ, dán đầy đường, “nhảy” lên Facebook hàng ngày, hàng giờ với thủ tục vô cùng nhanh gọn.
Những quảng cáo cho vay tiền được dán đầy trên đường phố
Những quảng cáo cho vay tiền được dán đầy trên đường phố

Dễ vay, khó thoát

Dành dụm mãi, hai vợ chồng anh H., chị B. mới mua trả góp được một căn hộ chung cư ở vùng ven TPHCM; dọn về ở được 2 tháng thì dịch bệnh xảy ra. Khi đó, dù thu nhập giảm hơn một nửa, nhưng vợ chồng vẫn còn tiền để dành mang trả khoản nợ gần 8 triệu đồng cho ngân hàng. Nhưng tới tháng 2-2020, hai vợ chồng cùng thất nghiệp vì nhà hàng nơi hai người làm việc cắt giảm nhân sự. Đúng lúc ấy, mẹ già ở quê lại bệnh. Bí quá, hai vợ chồng “vay nóng” bên ngoài 15 triệu đồng lo việc gia đình và trả lãi ngân hàng, dự tính chỉ mượn chừng 1 tháng rồi sẽ xoay xở những khoản khác bù vào. 

Theo giao kèo, mỗi ngày hai người “chỉ” phải trả lãi 150.000 đồng cho chủ nợ. Trả được hơn 20 ngày thì không trả được nữa, mà cứ chậm một ngày thì phải đóng phạt 300.000 đồng. Người của chủ nợ còn đe dọa, chửi bới, lấy sơn đỏ vẽ ngoài cửa những hình chết chóc rùng rợn. Hai vợ chồng vội vã bán xe, bán hết nội thất đồ dùng trong nhà mới đủ số tiền 20 triệu đồng trả cho chủ nợ và “tởn đến già” - như lời anh H. tâm sự.

Chị Ch. làm nghề buôn bán vặt ở chợ, dịch bệnh khiến công việc nuôi sống hai mẹ con ngưng lại. Chị lướt Facebook và thấy quảng cáo vay tiền online, chỉ cần nộp chứng minh nhân dân. Chị không hiểu gì về lãi suất bao nhiêu là nhiều là ít, chỉ nghe giới thiệu nếu vay 1 triệu thì mỗi ngày chỉ trả lãi 20.000 đồng. “Chỉ bằng hai tờ vé số”, nghĩ vậy, chị đồng ý vay liền 2 triệu, nhưng chủ nợ chỉ đưa 1,8 triệu “sau khi trừ chi phí vay”. Mỗi ngày chị trả 40.000 đồng tiền lời. 20 ngày tới hạn trả cả gốc cả lãi là 2,8 triệu đồng. Tới ngày chưa kịp trả, người ta đã gọi điện chửi bới, đe dọa, còn nhắn tin gọi điện cho rất nhiều người trong danh bạ điện thoại của chị để nhục mạ, nói chị là đồ lừa đảo, quỵt tiền…

Chị Ch. không phải trường hợp hiếm hoi. Mới đây, Công an TPHCM vừa triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua ứng dụng trên mạng như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Những ứng dụng này được quảng cáo công khai trên mạng xã hội, với điều kiện cho vay rất đơn giản. Điều đáng nói, số tiền người vay qua app rất ít, chỉ khoảng 1,5 triệu đến gần 3 triệu đồng mỗi lần vay. Sau 7 - 8 ngày, người vay sẽ phải trả tiền gốc, nếu chậm sẽ bị phạt rất nặng. Tính ra, lãi suất lên tới 3%/ngày, 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm. Cơ quan chức năng xác định có hơn 60.000 người đã vay tiền qua các ứng dụng này với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. 

Ngân hàng chính sách xã hội cần vào cuộc


Là cán bộ phụ trách công tác xã hội, giảm nghèo nhiều năm của xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, ông Nguyễn Minh Bình chia sẻ kinh nghiệm là các đoàn thể phải tích cực tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các hộ để kịp thời giới thiệu nguồn vay chính thống, lãi suất thấp. Nếu lỡ “sa” vào tín dụng đen thì một gia đình nhẹ thì nghèo đi, nặng thì rơi vào cùng quẫn. Theo ông Bình, hiện nay có nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội cho hộ nghèo và cận nghèo vay với lãi suất rất thấp. Còn các hộ dân khác cũng được cho vay từ nguồn này với mục đích giải quyết việc làm, nước sạch, lãi suất cao hơn một chút nhưng vẫn thấp hơn của ngân hàng thương mại. Ngoài ra, cũng cần vận dụng các quỹ hỗ trợ của các hội, đoàn thể để giúp người dân vay vốn làm ăn khi có nhu cầu. 

Theo một chuyên gia về kinh tế tài chính, nguy cơ tín dụng đen bùng lên sau dịch Covid-19 rất cần được quan tâm. Ngoài việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ không sa vào bẫy tín dụng đen, thì Nhà nước cũng cần chuẩn bị các nguồn vốn vay phong phú, để người có nhu cầu vay vốn dễ tiếp cận. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đời sống khó khăn, nhu cầu vay vốn tăng lên, khi đó người dân sẽ tìm đến các kênh phi chính thức để vay mượn, mà một trong số này là vay nóng với lãi suất cắt cổ. 
Các giải pháp được chuyên gia này đưa ra là Nhà nước cần tận dụng hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, tiến hành khảo sát nhu cầu vốn của các cá nhân, hộ gia đình chịu thiệt hại do dịch Covid-19, xác định rõ đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn. Ngoài ra, đây cũng là lúc cần phát huy mặt tích cực của các hình thức như hụi, họ, biêu, phường; quỹ tín dụng nhân dân để tương trợ cá nhân, hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tránh sa vào vòng xoáy tín dụng đen.

Lãi suất bao nhiêu là “cho vay lãi nặng”?

Nhiều người vay không tính ra lãi suất mà chỉ căn cứ vào lời hẹn của người cho vay, chỉ nhắm thấy số tiền phải trả hàng ngày nằm trong khả năng của mình mà không biết rằng, với lãi suất đó có thể đã đủ để xem xét về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (20%/năm, tức 1,666%/tháng), thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu số tiền thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tin cùng chuyên mục