Trước sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) khẳng định, bộ luôn nỗ lực trong việc ngăn chặn, không để giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng.
Theo ông Nguyễn Thái Bình, hiện nay có nhiều trò chơi, hoạt động giải trí xuất phát từ Internet. Đây là xu thế tất yếu. Trong đó, có những trò chơi, loại hình giải trí đóng góp tích cực, làm phong phú sinh hoạt văn hóa, tăng tính sáng tạo cho người chơi. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại hình giải trí như “Thử thách Momo” ảnh hưởng xấu đến văn hóa xã hội, nhất là sức khỏe và tinh thần người trẻ. Bộ VH-TT-DL rất ủng hộ hoạt động quản lý nhà nước kịp thời từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông, khi ngày 28-2, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube - có hành động cụ thể với các video hướng dẫn tự sát như “Thử thách Momo” nói trên. Về phía Bộ VH-TT-DL cũng sẽ tích cực vào cuộc cùng các cơ quan, đơn vị để phát hiện những hiện tượng giải trí không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và ảnh hưởng xấu tới thế hệ trẻ, từ đó góp phần ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực nêu trên.
Trước thực tế còn khá nhiều clip có nội dung độc hại khác cũng đang phát tán trên môi trường mạng, ông Nguyễn Thái Bình cho rằng, để giữ an toàn cho trẻ trước những nguy cơ tấn công, cần có sự vào cuộc đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, đồng thời sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan. Trong đó, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng, các bậc phụ huynh cần gần gũi, sát sao, để giữ cho con em mình an toàn hơn trong môi trường trực tuyến. Điều này đã được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm, đề cập như: phải đảm bảo biết được trẻ truy cập gì trên Internet; cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân và không trao cho bất kỳ ai không quen biết; trò chuyện để trẻ biết không ai có quyền yêu cầu các em phải làm những điều mà các em không muốn, gần gũi để các em luôn tin tưởng và sẵn sàng tâm sự, chia sẻ thông tin với cha mẹ. Nếu gia đình cho phép trẻ được quyền sử dụng công cụ để truy cập Internet thì phụ huynh có thể cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên điện thoại thông minh và máy tính để giữ an toàn cho trẻ. Bên cạnh vai trò của gia đình, nhà trường cũng cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, phù hợp theo từng lứa tuổi để các em có khả năng “sàng lọc” thông tin trên Internet.
Chia sẻ thêm về việc dư luận cũng đang bị ám ảnh bởi việc rao bán và sử dụng tràn lan bùa ngải, búp bê Kuman Thong và lo lắng tác hại xấu đến văn hóa Việt Nam, đại diện Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh, trong xu thế toàn cầu hóa cộng với khả năng lan truyền thông tin của các phương tiện truyền thông mới, nhiều hiện tượng văn hóa “lạ” xuất hiện ở Việt Nam và được một số bộ phận người dân đi/tin theo. Phần đông trong số họ đi theo các hiện tượng lạ này vì tò mò, hiếu kỳ và cả những lý do thiếu hiểu biết. Bản chất của bùa ngải và búp bê Kuman Thong không có cơ sở khoa học, không bắt nguồn từ những giá trị văn hóa Việt Nam, vì vậy không phù hợp với văn hóa Việt Nam hiện nay. Do vậy, cần đưa ra những biện pháp để người dân hiểu, không bị lôi kéo đi theo những trào lưu mê tín, không phù hợp với văn hóa dân tộc. Thời gian tới, Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tìm hiểu rõ hơn hiện tượng này. Cùng với đó, rất cần sự vào cuộc của các đơn vị quản lý liên quan, nhà khoa học… để có tiếng nói rõ ràng về tác hại của các loại hình bùa ngải trên.