Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 12-10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban TCNS thống nhất nhận định, năm 2017 là năm nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ trong nước và ngoài nước.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 đặt ra với mức phấn đấu cao, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn trong chỉ đạo của Chính phủ đối với các cấp, các ngành và địa phương. Nếu tăng trưởng kinh tế dự báo cả năm 2017 không đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,7%), sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu về TCNS , nhất là việc giữ mức bội chi NSNN (3,5%GDP) và mức nợ công (dưới 65% GDP) trong giới hạn Quốc hội đã quyết định.
Trong bối cảnh đó, ước thực hiện thu NSNN cả năm 2017 vượt 2,3% (27,3 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã thể hiện những nỗ lực cao trong điều hành của Chính phủ và quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao của ngành tài chính. Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của NSĐP, trong khi thu NSTW khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTW có khả năng hụt thu, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTW khó được đảm bảo, mục tiêu giảm bội chi NSNN hết sức khó khăn.
Về cơ cấu thu NSNN, Thường trực Ủy ban TCNS lưu ý, thu nội địa ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán.
Trong đó, khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, bên cạnh nguyên nhân do đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN còn cho thấy khả năng cạnh tranh, phát triển của khu vực này còn hạn chế.
Ở phía thực hiện chi, Chính phủ ước thực hiện chi NSNN cả năm bằng 101,7% dự toán, tăng 23.320 tỷ đồng. Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban TCNS nhận định, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, vốn ĐTXDCB nguồn NSNN giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây do nhiều nguyên nhân như: chuẩn bị dự án đầu tư chậm, giao dự toán chậm, thủ tục đầu tư phức tạp; giải phóng mặt bằng khó khăn, vướng mắc về một số quy định của pháp luật về đầu tư công…
Thường trực Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn lý do của việc phê duyệt 4 chương trình mục tiêu xã hội chậm, chưa giao được vốn; việc bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công rất thấp (chỉ 101 tỷ /8.000 tỷ đồng); việc cụ thể hóa chính sách giảm nghèo đa chiều còn chậm (năm 2017 và có thể cả năm 2018 vẫn chỉ thực hiện mục tiêu giảm nghèo về thu nhập); việc thực hiện chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số rất ít người.