Hội thảo thu hút hàng trăm nhà quản lý và các nhà nghiên cứu khoa học tham gia thảo luận và kiến nghị tháo gỡ những rào cản về mặt chính sách, đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Công bố trên các tạp chí uy tín tăng hơn 3 lần
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cách đây khoảng 10 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam còn khá khiêm tốn và không có cơ sở giáo dục ĐH nào có tên trong bảng xếp hạng thế giới.
Trong khi đó, việc công bố quốc tế rất quan trọng, đây là sự sự góp trí thức vào kho tàng tri thức của nhân loại. Tuy nhiên, theo ông Phúc, trong những năm qua các cơ sở giáo dục ĐH đã phát triển mạnh mẽ với số lượng công bố quốc tế, cụ thể trong vòng khoảng 5 năm công bố trên các tạp chí uy tín tăng hơn 3 lần.
“Điều này cho thấy cộng đồng nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có khả năng để thực hiện công bố quốc tế tốt và có nhiều tiềm năng. Trước đây, các viện nghiên cứu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong công bố quốc tế, nhưng gần đây chủ yếu từ các trường ĐH. Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các trường ĐH. Nếu có cơ chế chính sách đúng thì khả năng nghiên cứu của đội ngũ nghiên cứu trong nước sẽ hội nhập được với thế giới”, ông Phúc nhìn nhận.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, công bố quốc tế không có nghĩa là các bài báo đều mang đi đăng ở nước ngoài. Ông cho biết hiện bộ có hỗ trợ các dự án nâng cấp các tạp chí khoa học và Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã nâng tạp chí khoa học trong nước thành tạp chí quốc tế vào danh mục hệ thống Scopus. Như vậy, tất cả bài báo đăng trên tạp chí này đều là bài báo quốc tế. Ngoài ra, hiện có hơn 10 tạp chí của các trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT đã gia nhập hệ thống trích dẫn quốc tế.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng chia sẻ về 4 nhóm kết quả đầu ra trong hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt các trường trực thuộc bộ.
“Câu hỏi đặt ra là làm sao đạt được kết quả đó, điều này mỗi cơ sở giáo dục ĐH không giống nhau. Có trường ĐH có tạp chí vào được danh mục Scopus nhưng có trường vẫn loay hoay mãi không biết làm sao. Có trường công bố quốc tế hơn 200 bài nhưng có trường vài chục bài cũng rất khó khăn. Cái này do mỗi tường tùy điều kiện, hoàn cảnh khác nhau và nỗ lực của từng trường”, ông Phúc đánh giá.
Về khung chính sách chung, Thứ trưởng mong muốn tại hội thảo này các trường có những đề xuất để trong thời gian tới hoạt dộng này có những bước phát triển mới.
Ông Phúc cũng cho biết hôm nay bộ đã trình Chính phủ nghị định quy định về các hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH. Hy vọng với nghị định này khi được ban hành cùng với các văn bản luật giáo dục sửa đổi bổ sung khác, sẽ giúp cho các trường giải quyết được các vướng mắc liên quan đến ứng dụng chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Còn nhiều bất cập
Tiến sĩ Trần Nam Tú, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD-ĐT), trong giai đoạn 2016-2021 về hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, còn những vướng mắc như: trong cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ; đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này phải nói còn rất hạn hẹp.
Với nguồn nhân sách đầu tư rất thấp, một suất đầu tư (tính trên số giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên) chỉ trên 10 triệu đồng/1 giảng viên; cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là từ doanh nghiệp chưa hiệu quả. Việc thu hút các nguồn này rất khó, cái khó không phải doanh nghiệp không đồng hành mà cái khó ở chỗ doanh nghiệp đầu tư vào thì họ có được cái gì chứ không thể đi làm từ thiện mãi.
Khi đầu tư vào cần có cơ chế để doanh nghiệp hiện này dù đã sửa thông tư 12 liên quan đến việc đầu tư của doanh nghiệp nhưng vẫn còn những vướng mắc; đầu tư nghiên cứu để tạo ra sản phẩm ứng dụng, chuyển giao thương mại còn hạn chế…
“Một vấn đề nữa là cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH chưa hấp dẫn và hiệu quả. Nếu giả sử không có quy định về chuẩn giờ giảng, chuẩn giờ nghiên cứu khoa học quy đổi thì có lẽ kết quả nghiên cứu khoa học rất lo ngại. Điều này có phần rất lớn từ các cơ sở ĐH, đề nghị có chính sách cơ chế tạo hành lang động lực để các thầy cô tham gia nghiên cứu”, Tiến sĩ Trần Nam Tú nhấn mạnh.
Từ những hạn chế trên, Tiến sĩ Trần Nam Tú đề xuất kiến nghị nên rà soát, bổ sung xây dựng lại hệ thống chính sách một cách thường xuyên. Với tốc độ phát triển hiện nay, văn bản không cập nhật rà soát sẽ lạc hậu rất nhanh không đi kịp. Tiếp đến là phải có chính sách đãi ngộ. Chúng ta nói rất nhiều về thu hút, nói rất nhiều về đãi ngộ nhưng đến thời điểm này khi làm báo cáo về chính sách thu hút các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài tham gia giảng dạy nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam, mới thấy gặp nhiều khó khăn. Khó khăn về làm visa, về xin phép lao động và vừa rồi các trường điện thoại trao đổi, người nước ngoài vào làm phải ra nộp cục việc làm bộ lao động xin giấy phép…
Chúng ta làm chính sách đãi ngộ thu hút nhưng phải thêm một rào cản như vậy, ít nhất các trường phải chạy đi chạy lại vất vả. Ngoài ra cũng cần đổi mới cơ chế quản lý ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài sản hình thành sau nghiên cứu khoa học nhằm tạo động lực các cơ sở giáo dục ĐH, doanh nghiệp.
PGS-TS Lê Văn Thăng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, để mà làm được câu chuyện hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ, chúng ta đang vướng mắc 8 luật không tính nghị định và thông tư. Luật Công sản, Luật doanh nghiệp, Luật sở hữu trí tuệ, Luật Khoa hoc công nghệ...
Trong Luật Giáo dục có quy định khá chặt chẽ về giờ giảng dạy của các trường công. Khi chúng ta quy định điều đấy chúng ta có nghĩ tới tạm gọi là đội ngũ các thầy cô giảng dạy các môn cơ bản ít có năng lực nghiên cứu khoa học hay không.
Các thầy cô càng học lên cao càng nhiều bằng cấp càng giỏi, càng chuyên sâu thì giờ giảng dạy càng ít đi chứ làm sao mà 270 giờ được? Quy định đó vẫn cần số giờ như vậy nhưng nên để các trường ĐH linh động chia sẻ qua lại hay hơn quy định cứng mức tối thiếu. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta cho chuyển đổi giờ dạy mà không cho chuyển đổi giờ nghiên cứu, trên thực tế chúng ta đang làm hạn chế lãng phí câu chuyện hoạt động nghiên cứu.