Đồng tình với Đoàn giám sát về tình trạng bộ máy hành chính còn rất cồng kềnh, hiệu quả hoạt động không cao, đại biểu (ĐB) Phùng Đức Tiến (Hà Nam) kiến nghị đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hoàn thiện đề án việc làm, chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, giải thể những đơn vị không hiệu quả, xác định số lượng thực sự cần thiết của cán bộ cơ sở…
Trong khi đó, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhận định, cơ chế chính sách hiện nay chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương (CQĐP) với cải cách bộ máy hành chính, việc cải cách bộ máy chưa dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá thấu đáo hiệu quả để thực hiện các bước đi vững chắc, do đó thường xuyên có sự thay đổi tách – nhập các đầu mối. "Hãy để câu chuyện cây tre trăm đốt chỉ là cổ tích, đừng để khắc nhập khắc xuất liên tục", ông Lâm ví von.
Tán thành quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói: "Ở Trung ương không làm gương thì dưới địa phương cũng sẽ không thực hiện nghiêm việc rà soát, tinh giản". ĐB này nêu ví dụ cụ thể từ thực tế giám sát : "Một số xã có rất ít học sinh cũng lập nhiều trường học, rồi sinh ra hiệu trưởng hiệu phó… Trường ở ngay cạnh trạm y tế xã, nhưng vẫn có 1 phòng y tế học đường, họ không có nhiều việc để làm, trong khi rất cần thêm giáo viên lại không tuyển được. Vô tình biên chế quy định cứng khiến nảy sinh tình trạng có người sáng xách ô đi tối xách ô về".
Về tình trạng quá nhiều lãnh đạo cấp phó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương dứt khoát: "Việc tinh giản cấp phó thì phải làm ngay ". Tuy nhiên, theo ĐB này, việc thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy; tách/ nhập các cơ quan đầu mối phải cân nhắc thận trọng, tránh sự thay đổi quá thường xuyên.
Bình luận việc "cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó mà nuôi đủ bộ máy như hiện nay", ĐB Nguyễn Minh Sơn (Kiên Giang) đề nghị quán triệt phương châm tinh giản và tinh nhuệ, theo đó bộ máy phải gọn nhẹ, nhưng đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, ĐB Nguyễn Minh Sơn đề nghị chú trọng đội ngũ cán bộ cấp xã, những người gần dân hơn cả, đãi ngộ xứng đáng để đừng bao giờ chúng ta phải nghe thấy câu "tôi chưa nhận được báo cáo vì… chưa có ai làm báo cáo".
Cùng quan điểm này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị công nhận biên chế cho cán bộ cấp xã, không chia ra chuyên trách và bán chuyên trách như hiện nay, gắn việc cải cách hành chính với trách nhiệm người đứng đầu, trao thẩm quyền tương xứng cho họ; tất nhiên đi cùng với đó là có cơ chế kiểm soát quyền lực. ĐB Phạm Văn Hòa dứt khoát đề nghị không chỉ thí điểm, mà thực hiện nhất thể hoá luôn một số chức danh như đã làm hiện nay ở một số địa phương, vì việc thí điểm đã cho thấy hiệu quả rõ rệt…