Đến hết tháng 6, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 745.400 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Cả thu ngân sách trung ương và địa phương đều đạt khá. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%) - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.
Trao đổi với báo SGGP, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đây đang là giai đoạn thu ngân sách tốt nhất kể từ năm 2013 và nếu năm nay không có biến động lớn thì thu ngân sách sẽ ổn.
- Phóng viên: Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về thu ngân sách trong 6 tháng qua?
* Bộ trưởng ĐINH TIẾN DŨNG: Có nhiều lý do, nhưng đầu tiên là kinh tế 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng khá hơn so với cùng kỳ các năm. Thứ hai là các giải pháp quản lý thu được chúng tôi triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm nên thu thuế nội địa tăng cao, dù quý 1 có nhiều ngày nghỉ lễ, tết. Điểm tích cực trong thu ngân sách của 6 tháng năm nay so với các năm trước là thu từ 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân) sát với dự toán và cao hơn mọi năm.
Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy cần phải theo dõi chặt chẽ hơn. Đó là tốc độ tăng thu từ thuế, phí của 3 khu vực kinh tế chậm lại từ tháng 5 đến nay. Rõ ràng là sản xuất trong nước có một số vấn đề phải xem kỹ. Ví dụ như dịch tả heo châu Phi đang làm ảnh hưởng sản xuất, GDP, ngành hàng liên quan; đồng thời, chúng ta cũng phải chi tiền hỗ trợ cho người nông dân. Song, nếu năm nay không có tác động tiêu cực lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thì thu NSNN sẽ tốt hơn năm 2018 mà bức tranh 6 tháng phần nào đã thể hiện.
- Khá nhiều bất cập liên quan đến đất đai ở các địa phương thời gian qua liệu có ảnh hưởng đến nguồn thu hay không, thưa Bộ trưởng?
* Tôi cho rằng là có tác động. Trong 3 và 6 tháng qua, cơ cấu thu về đất chưa phải là lớn so với thu từ thuế, phí của 3 khu vực kinh tế. Do nhiều lý do, khoản thu từ nguồn này cũng rất thất thường. Ví dụ như năm 2018, số thu quý 4 từ đất chiếm hơn 30% số thu lĩnh vực này cả năm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là nguồn thu từ đất cũng phụ thuộc rất lớn vào gốc vấn đề là sự phát triển của thị trường bất động sản.
Liên quan đến cơ cấu thu, hiện nay chúng ta đã cắt giảm thuế quan mạnh mẽ; giá dầu thô cũng không còn cao như trước kia nên việc thu ra sao để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước là rất quan trọng. So với năm 2011, thu ngân sách đã tăng gấp hơn 2 lần về số tuyệt đối và đóng góp trong đó là tỷ lệ thu nội địa đang chiếm 83%-84%, thu từ dầu thô chỉ còn chiếm 4%-5%. Thu từ nội địa, sản xuất kinh doanh, phí, lệ phí mới là nguồn thu vững chắc.
- Việc thanh, kiểm tra nhiều năm gần đây đã làm tăng thu ngân sách khá lớn. Điều này cho thấy, khu vực này có vẻ còn nhiều dư địa để tăng thu, thưa Bộ trưởng?
* Khi áp dụng phương pháp quản lý rủi ro thì việc thanh tra, kiểm tra đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi năm, qua thanh tra, kiểm tra, ngành tài chính đã kiến nghị xử lý về tài chính 50.000 - 60.000 tỷ đồng, tăng thu cho NSNN hàng chục ngàn tỷ đồng; chống chuyển giá, giảm lỗ. Với việc giảm lỗ, giảm khấu trừ cũng có nghĩa là thu ngân sách từ những doanh nghiệp này sẽ tăng vào các năm sau vì hoạt động này thực chất là chuyển giá. Do đó, quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, hậu kiểm là vấn đề vô cùng quan trọng.
- Chúng ta nhắc đến khá nhiều về việc chi thường xuyên lớn đang trở thành gánh nặng NSNN, ảnh hưởng đến chi cho đầu tư phát triển. Việc này đã có cải thiện chưa, thưa Bộ trưởng?
* Về chi, chủ trương chung là siết chặt, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và quản chặt bội chi NSNN. Chi thường xuyên, nếu theo yêu cầu tại Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị (về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững) và Nghị quyết 25 của Quốc hội (về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020) thì tỷ lệ chi thường xuyên đã đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2020: hiện là 62%-63% tổng chi (mục tiêu là dưới 64%). Không những vậy, hàng năm chúng ta vẫn giải quyết được vấn đề tăng lương, an sinh xã hội. Còn chi cho đầu tư phát triển theo mục tiêu là 25%-26% thì những năm vừa qua đã đạt tỷ lệ 27%-28%.
Như vậy, cơ cấu chi đã được thực hiện khá tốt. Tất nhiên, trên thực tế vẫn còn nơi này nơi kia chi chưa đúng, sai định mức, chế độ hay hiệu quả của dự án đầu tư chưa cao. Điều này không mới và cũng đã tích lũy nhiều năm. Để cải thiện, bên cạnh Bộ Tài chính còn có trách nhiệm của HĐND, UBND địa phương trong thẩm quyền quyết định theo phân cấp.
- Việc giải ngân vốn ODA, đầu tư công đang rất chậm. Bộ Tài chính có giải pháp nào để thúc đẩy?
* Luật Quản lý nợ công quy định Bộ Tài chính là đầu mối đàm phán ký kết; còn chủ trương, điều chỉnh, phân bổ vốn là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những năm gần đây, việc giải ngân vốn ODA và đầu tư công quá chậm. Có tiền, ít tiền để đầu tư là khuyết điểm nhưng có tiền không tiêu được càng khuyết điểm.
Việc chậm này kéo theo việc khác. Ví dụ như về NSNN, 6 tháng đầu năm, thu lớn hơn chi, ta có bội thu. Chúng tôi phải phối hợp, gửi tiền vào Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này có tiền xử lý thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại và chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ. Cùng với đó là tính toán phát hành trái phiếu chính phủ sao cho cung - cầu sát nhau. Năm 2018, chúng tôi giảm phát hành 50.000 tỷ đồng theo dự toán vì không có nhu cầu tiêu. Trong 6 tháng đầu năm nay, cũng chỉ phát hành theo tiến độ, giải ngân đến đâu phát hành đến đấy, đồng thời đảm bảo mục tiêu phát hành để giữ, ổn định lãi suất thị trường.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!