Cùng ngày, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng họp phiên mở rộng thẩm tra dự án Luật Thư viện.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, nhiều nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc đã được chỉnh lý. Bản dự thảo hiện nay gồm 4 chương, 43 điều (tăng 6 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6). Dự thảo luật đã bổ sung một số điều quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động kiến trúc; chính sách của Nhà nước; tổ chức xã hội nghề nghiệp; hợp tác quốc tế… Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định về giải thích đối với khái niệm kiến trúc, kiến trúc sư, công trình kiến trúc, quy chế quản lý kiến trúc… để bảo đảm phù hợp với thông lệ thế giới, tránh gây lúng túng khi thực hiện các dự án hợp tác quốc tế... Đáng lưu ý, một số ý kiến khuyến nghị việc nghiên cứu, bổ sung quy định ngăn ngừa việc can thiệp sâu, mang tính áp đặt của chủ đầu tư vào bản thiết kế công trình - vốn được coi là một nguyên nhân khiến không gian kiến trúc ở một số địa bàn lộn xộn, mất thẩm mỹ; thi công không đúng với thiết kế, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng…
Theo tờ trình dự án Luật Thư viện, sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh Thư viện, mạng lưới thư viện công lập đã có hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở. Gần đây, các thư viện đã từng bước được hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng thư viện điện tử, thư viện số… Tuy nhiên, hoạt động thư viện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thỏa mãn nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân... Các ý kiến tại phiên họp nhận định, việc xây dựng dự án Luật Thư viện là cần thiết và cấp bách, song nội dung còn nặng về quản lý nhà nước, số điều quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện quá nhiều so với kết cấu chung.