Quy rõ trách nhiệm quản lý cư trú
Đã xảy ra nhiều vụ người nước ngoài phạm pháp nghiêm trọng, như: dụ dỗ và quan hệ tình dục với trẻ em; sử dụng mạng máy tính và mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi qua app; tổ chức đường dây đánh bạc trực tuyến với giá trị giao dịch lên đến cả chục ngàn tỷ đồng; giả danh cơ quan công an, tòa án để lừa đảo; dụ dỗ trẻ em đóng phim sex; lập xưởng bào chế ma túy đá…
Qua đó cho thấy hoạt động tội phạm người nước ngoài diễn ra có hệ thống, có tổ chức với số lượng người rất đông, cùng những tác hại không thể lường hết được.
Việc cho phép người nước ngoài đầu tư, kinh doanh có phần dễ dãi nên họ đã lợi dụng điều này. Ban đầu chỉ là đầu tư nhỏ lẻ, như mở nhà hàng, quán ăn... Sau đó họ nhờ người mua đất, lưu trú để thực hiện các hoạt động phi pháp.
Đáng nói hơn là tình trạng nhiều người Việt đã tiếp tay cho tội phạm người nước ngoài, thậm chí tham gia đường dây của họ. Thực tế cho thấy người thuê khách sạn, đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm trú và bảo lãnh, đứng tên thuê phòng trọ... cho các nhóm tội phạm người nước ngoài này, hầu hết đều là người Việt.
Câu hỏi đặt ra là những ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong những trường hợp này? Cần nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm quản lý địa bàn, bảo vệ an ninh trật tự, bởi những vụ việc phát hiện mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Đó còn là kẽ hở trong công tác quản lý người nước ngoài khi đã nhập cảnh vào Việt Nam. Đã đến lúc phải quy rõ trách nhiệm về việc quản lý cư trú của người nước ngoài.
Mở cửa đón du khách, kêu gọi đầu tư là xu hướng tất yếu để phát triển đất nước; tuy nhiên, cần phải tăng cường quản lý từ khâu nhập cảnh; kiểm soát chặt chẽ hơn việc người nước ngoài lưu trú, hoạt động tại Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh và trật tự xã hội.
Kiểm soát chặt việc lưu trú
Trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh, đã có những người nước ngoài vào Việt Nam thuê nhà xưởng, khách sạn hoặc biệt thự nơi hẻo lánh để tổ chức các hoạt động phạm pháp.
Một số thành phần bất hảo người Việt cũng tiếp tay, cấu kết với các nhóm tội phạm người nước ngoài. Trong khi đó, việc tổ chức quản lý cư trú đối với người nước ngoài của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng còn quá lỏng lẻo.
Cần có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các hành vi tội phạm người nước ngoài, cụ thể là kiểm soát chặt chẽ việc lưu trú và các hoạt động phạm pháp dưới vỏ bọc doanh nghiệp. Nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về việc quản lý, đăng ký lưu trú đối với người nước ngoài để đảm bảo chặt chẽ hơn. Xử lý nghiêm theo luật pháp Việt Nam đối với các hành vi tội phạm người nước ngoài.