Phải xử tội “Giết người”
Theo nội dung bản án, Phan Đình Q sau khi gây ra tai nạn giao thông đã dừng xe xuống kiểm tra, thấy bị hại nằm dưới gầm ô tô. Không xác định được bị hại còn sống hay đã chết, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chèn lên người bị hại. Hậu quả là bị hại chết tại chỗ.
Phải qua 3 phiên tòa với nhiều quan điểm khác nhau, đến tháng 5-2019, TAND cấp cao tại Hà Nội mới có bản án phúc thẩm, được TAND tối cao phát triển thành án lệ như trên.
Ban đầu, TAND huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đưa ra xét xử sơ thẩm theo tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm cho rằng, hành vi phạm tội của Q là hành vi “Giết người” nên đã trả hồ sơ để chuyển lên cấp tỉnh điều tra, truy tố, xét xử Phan Đình Q về tội này.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Q 12 năm tù về tội “Giết người”. Q kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội này. Đại diện phía bị hại thì kháng cáo đề nghị tăng hình phạt. Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội cũng kháng nghị đề nghị áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ và xử tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo.
Xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội đã nhận định, sau khi gây tai nạn bị cáo chưa biết chắc là nạn nhân đã chết, nhưng vẫn lái xe đi tiếp. Lúc này, tính mạng của nạn nhân đang ở mức rất nguy hiểm mà bị cáo vẫn lái xe đè qua người nạn nhân là điều không thể chấp nhận được. HĐXX cho rằng, mức án 12 năm tù là quá nhẹ, gây bức xúc trong quần chúng nên đã tuyên mức án 13 năm 6 tháng tù.
Hướng dẫn cụ thể dấu hiệu chuyển hóa tội phạm
Án lệ trên được coi là bài học mang tính răn đe mạnh mẽ cho những người cầm lái. Bởi những vụ việc thương tâm trên đường, do lỗi cố ý thực hiện hành vi đến cùng của tài xế không phải là ít.
Tại TPHCM, 10 năm trước từng có vụ việc rúng động dư luận, khi một tài xế container đã cho xe chạy nhiều lần liên tục lên người một nữ sinh, mặc cho nạn nhân kêu cứu và người đi đường tìm mọi cách dừng chiếc xe lại. Tài xế này sau đó bị xử 8 năm tù về tội giết người. Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại khu vực vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) vào giữa tháng 10-2017, khiến một người đàn ông thiệt mạng.
Từ thực tiễn này, Án lệ số 30/2020 nhận được sự quan tâm chia sẻ, phân tích của các nhà nghiên cứu, những người làm công tác tố tụng và công tác liên quan.
Có ý kiến cho rằng, dù có án lệ này và một số văn bản hướng dẫn về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông là phạm tội “giết người”; tuy nhiên trong thực tiễn, mỗi vụ án có những tình tiết riêng, hoặc có những vụ án mà việc xác định các tình tiết định khung tăng nặng như “có tính chất côn đồ” hoặc “thực hiện tội phạm một cách man rợ” vẫn còn thiếu thống nhất.
Chẳng hạn quanh vụ việc mới đây, tháng 11-2019, tại huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), một tài xế taxi va chạm với một người đàn ông đi xe đạp. Biết nạn nhân mắc kẹt trong gầm xe, nhưng tài xế này đã tiếp tục cho xe chạy thêm gần 100m. Thấy xe vướng khó đi, tài xế còn thay đổi từ số 4 về số 3, rồi tiếp tục kéo lê nạn nhân thêm 1,5km nữa. Tới đoạn đường vắng, tài xế xuống kiểm tra rồi lùi xe cho nạn nhân rơi xuống đường, bỏ trốn. Kết quả, nạn nhân tử vong vì chấn thương nặng.
Quanh việc này có nhiều quan điểm. Có quan điểm cho rằng, tài xế này phạm tội Vi phạm quy định về điểu khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 2 tại Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Bởi việc điều khiển xe chạy tiếp 1,5km, sau đó lùi lại để nạn nhân rơi khỏi gầm xe là do tâm lý hoảng loạn khi gây ra tai nạn nhằm trốn tránh, không bị phát hiện.
Đây là tội “giết người”, nhưng có ý kiến cho rằng, tài xế phạm tội với tình tiết định khung “thực hiện tội phạm một cách man rợ” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 BLHS, với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tài xế phạm tội theo khoản 2 Điều 123 BLHS, với khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù.
Từ đó, một số chuyên gia pháp lý cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về các dấu hiệu chuyển hóa tội phạm từ “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” sang tội “giết người”, các tình tiết định khung tăng nặng để đảm bảo việc giải quyết vụ án được chặt chẽ, thống nhất, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nhiều điểm mới trong quy định Điều 260 BLHS năm 2015 về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” đã có nhiều quy định mới so với Điều 202 BLHS năm 1999. Ngay từ tên điều luật đã có sự khác biệt, khi trong BLHS 1999 là “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Như vậy, theo luật hiện nay, kể cả người đi bộ cũng được coi là chủ thể của tội này. Điều luật mới cũng cụ thể hóa về hậu quả, định lượng về thương tích, tổn hại sức khỏe, tài sản… Khung hình phạt tiền cũng thay đổi từ 5 - 50 triệu đồng thành 30 - 100 triệu đồng… |