Trong đó, không thể không kể đến 2 cơ chế được đề xuất là: chỉ định thầu và miễn trừ trách nhiệm dân sự. 2 cơ chế này được áp dụng cho các dự án trọng điểm như: dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các tuyến đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TPHCM. Dự thảo nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù cũng được đưa ra thảo luận để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học- công nghệ.
Việc áp dụng các cơ chế đặc thù, đặc biệt sẽ đem lại lợi thế là đẩy nhanh tốc độ. Chẳng hạn, đề cập đến dự án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, nếu thực hiện đúng theo trình tự hiện hành thì chỉ riêng công tác phê duyệt chủ trương đầu tư 1 dự án đã mất từ 6 đến 7 năm. Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn thì không thể “về đích” vào năm 2035 như nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Khi chính sách chỉ định thầu được áp dụng, theo Bộ trưởng GTVT, thời gian lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được rút ngắn 18-25 tháng.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, trên thực tế, đã có một số công trình giao thông được Quốc hội cho phép thực hiện theo phương thức chỉ định thầu giúp tiết kiệm 5% so với dự toán và đã phát huy hiệu quả. Cùng với đó, đề xuất miễn trừ trách nhiệm dân sự trong một số trường hợp có thể coi là điểm tựa pháp lý quan trọng cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra quyết định nhanh và chính xác.
Về chỉ định thầu, thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội ngày 15-2, đại biểu Trần Lưu Quang (TP Hải Phòng), Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đặt câu hỏi: “Ai sẽ quyết chi tiền hoặc chỉ định thầu?”. Đại biểu cho rằng, phải quy định rất rõ ràng về thẩm quyền, phạm vi và trách nhiệm trong chỉ định thầu, kèm theo trách nhiệm giải trình.
Nhiều đại biểu khác đề nghị tăng cường giám sát và hậu kiểm, thiết lập cơ chế giám sát độc lập, thường xuyên kiểm tra quá trình thực hiện các gói thầu được chỉ định, đảm bảo tuân thủ quy định và ngăn ngừa tiêu cực. Kinh nghiệm quốc tế từ các nước phát triển như Pháp, Nhật Bản là đều có hệ thống giám sát độc lập để đảm bảo tính minh bạch. Tiếp theo là xử lý nghiêm khắc tất cả các trường hợp lợi dụng chỉ định thầu để trục lợi hoặc gây thất thoát ngân sách.
Với quy định về miễn trừ trách nhiệm dân sự, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong khi Bộ luật Hình sự đã có quy định về miễn trách nhiệm hình sự trong nhiều trường hợp rất cụ thể, thì nội dung miễn trừ trách nhiệm dân sự để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học-công nghệ lại chưa có hoặc quy định không rõ ràng.
Đại biểu đồng tình quy định về miễn trách nhiệm dân sự, song đề nghị bổ sung một số điều kiện: đã áp dụng đầy đủ các quy trình, quy phạm trong nghiên cứu khoa học và thực hiện các giải pháp phòng ngừa; không phải bồi thường thiệt hại nếu đã đáp ứng các điều kiện trên mà gây ra thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước (nhưng gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải thực hiện bồi thường theo chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật Dân sự).
Để 2 cơ chế trên phát huy hiệu quả thì không chỉ cần xác định rõ cơ quan hoặc hội đồng độc lập có thẩm quyền xem xét và quyết định việc miễn trừ trách nhiệm dân sự, mà còn phải thiết kế các tiêu chí cụ thể để xác định khi nào tổ chức, cá nhân đã tuân thủ đầy đủ quy trình, nỗ lực hết sức nhưng vẫn gặp rủi ro khách quan. Chỉ với sự thận trọng như thế, các cơ chế đặc thù, đặc biệt mới phát huy hiệu quả tốt nhất và hạn chế ở mức thấp nhất những tiêu cực có thể phát sinh.