Dự án Luật Địa chất và khoáng sản được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chiều 22-4.
Theo tờ trình dự án luật, Khoản 1 Điều 51 dự thảo luật này quy định “Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản”.
Qua thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, có ý kiến cho rằng, đây là nội dung sửa đổi so với Luật Khoáng sản hiện hành, theo đó, thời gian ưu tiên nộp hồ sơ đã thay đổi từ 6 tháng (Khoản 1 Điều 45 Luật Khoáng sản hiện hành) lên tới 36 tháng, quy định này có thể làm mất cơ hội của các nhà đầu tư khác.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bổ sung đánh giá tác động của chính sách này để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan tham gia hoạt động khoáng sản, tránh “lợi ích cục bộ”, trục lợi chính sách.
Việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước cũng là nội dung được cơ quan thẩm tra lưu ý.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban ủng hộ quy định Nhà nước sử dụng vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản đối với khoáng sản chiến lược, quan trọng và khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ căn cứ của việc chỉ quy định một nguồn vốn sử dụng là "nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản”, căn cứ của quy định "việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản”; giải trình cụ thể hơn tác động của chính sách về lợi ích, chi phí, nguồn lực để đảm bảo tính khả thi.
Cũng trên quan điểm ngăn ngừa khả năng lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi, liên quan đến việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ về đối tượng và điều kiện được phép chuyển nhượng.
Theo dự thảo luật, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, đưa mỏ vào khai thác thì được chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Chính phủ được giao quy định chi tiết vấn đề này.