Tiềm ẩn nguy cơ
Về giao thông, riêng tại TPHCM phần lớn tuyến đường vào các khu dân cư đều hẹp, dài, chỉ khoảng 19% diện tích đường có chiều rộng trên 12m có thể triển khai xe chữa cháy thuận lợi, 35% diện tích đường có chiều rộng 7 - 12m chỉ các loại xe nhỏ lưu thông, 46% diện tích đường còn lại chỉ có thể dùng cho các phương tiện xe 2 - 3 bánh lưu thông. Do đặc điểm kiến trúc, tại các khu vực dân cư đông đúc, đường ra vào rất nhỏ hẹp và uốn khúc nên xe cứu hỏa không thể vào bên trong khu vực xảy ra cháy.
Trong một cuộc họp gần đây về nội dung này, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, đánh giá tình trạng an toàn cháy nổ ở khu dân cư, hộ gia đình chưa được điều tra chính xác, toàn diện; điều kiện an toàn về PCCC còn nhiều hạn chế, thiếu sót; tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và khi cháy rất dễ cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy gây rất nhiều khó khăn cho công tác dập lửa và CNCH.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Để phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ xảy ra tại khu dân cư, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường công tác PCCC tại khu dân cư. Trong đó yêu cầu các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH cho người dân, để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác PCCC và CNCH.
Theo tinh thần của Chỉ thị 32, cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy nổ trong khu dân cư.
Các địa phương cần chủ động điều tra cơ bản nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm của từng khu dân cư để hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy nổ phù hợp, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân, quản lý các cơ sở kinh doanh phế liệu liên quan vật liệu nổ.
Các cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp các bộ ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan về PCCC cho nhà ở và công trình chưa phù hợp, có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; tổng kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện tại khu dân cư để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn PCCC từ hệ thống, thiết bị điện; hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng điện an toàn...