Theo đó, một học sinh nằm xuống đất đặt tấm thẻ lên môi, học sinh khác giới nằm đè lên, đồng thời đặt môi lên tấm thẻ, cả hai sẽ lăn một vòng để giữ cố định sao cho tấm thẻ không rơi xuống. Dư luận cho rằng cách thức chơi như vậy là phản cảm, không phù hợp với môi trường giáo dục.
Báo cáo của Trường Đại học Cần Thơ và Sở GD-ĐT Cần Thơ gửi Bộ GD-ĐT cho biết, một học sinh của trường đã tổ chức trò chơi và quay clip với mục đích lưu giữ kỷ niệm; sau đó đã đăng tải lên mạng để chia sẻ cho bạn bè, với nhận thức đây là hoạt động vui chơi bình thường của học sinh. Báo cáo cũng đánh giá, Trường THPT Thực hành Sư phạm khi vận dụng trò chơi của một số nước vào trong hoạt động của nhà trường đã thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng; tổ chức thực hiện không đúng, máy móc, quản lý lỏng lẻo, thiếu giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính giáo dục khi tổ chức trò chơi; công tác tổ chức trò chơi chưa đạt yêu cầu.
Bộ GD-ĐT cũng đã có quan điểm về vụ việc này, khi yêu cầu Ban giám hiệu Trường THPT Thực hành Sư phạm, cán bộ đoàn được giao quản lý hoạt động cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc chỉ đạo, phê duyệt, quản lý và giám sát tổ chức hoạt động này khi không đảm bảo ý nghĩa giáo dục của trò chơi, không phù hợp với văn hóa Việt Nam; đặc biệt là chưa nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các học sinh khi tham gia… Điều này đã gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, uy tín của nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh. Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, tất cả các trò chơi (trên mạng và trực tiếp) cũng như các hoạt động liên quan đến học sinh, sinh viên mang tích chất nhạy cảm, bạo lực, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tâm sinh lý lứa tuổi, mục tiêu giáo dục đều không được tổ chức trong các cơ sở giáo dục.
Thực tế vừa qua xuất hiện không ít những trò chơi tập thể có tính chất phản cảm, không phù hợp với văn hóa người Việt, thậm chí là mang tính gợi dục. Đáng lo ngại là các trò chơi này diễn ra không chỉ ở các hoạt động đoàn, hội, thôn, xóm mà cả trong nhà trường. Nhiều trò chơi trong số đó được du nhập từ nước ngoài, khi tổ chức tại Việt Nam, trong một hoàn cảnh không phù hợp, với những đối tượng không phù hợp, đã gây tác dụng xấu, hiệu ứng không hay.
Do vậy, các cơ sở đào tạo, các sở GD-ĐT, các tổ chức đoàn, hội… cần thể hiện trách nhiệm cao hơn trong việc nghiên cứu, tham mưu tổ chức hiệu quả các hoạt động trong, ngoài nhà trường một cách thiết thực, ý nghĩa. Các trò chơi, hoạt động phải phù hợp thuần phong mỹ tục và mang tính giáo dục cao, truyền tải tốt các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi người học, nhu cầu, mong muốn của học sinh… Chỉ có như vậy các hoạt động đó mới có tác dụng phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học và giải trí lành mạnh cho thế hệ trẻ.