Cụ thể, thời gian qua, Bộ GTVT đã tăng cường phân cấp, ủy quyền giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các cơ quan, đơn vị để tạo sự chủ động, tăng cường trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu thầu. Toàn bộ các gói thầu xây lắp, tư vấn, phi tư vấn sử dụng nguồn vốn trong nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT đều đã được đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Về cơ bản, các nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án, gói thầu đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ, đã góp phần thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư và đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tuân thủ các quy định, chỉ đạo của Bộ GTVT.
Cụ thể, Bộ GTVT nghiêm cấm các hành vi dàn xếp, thông thầu, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, đặt ra các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đặc biệt có các hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần lựa chọn nhân sự có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và có đủ điều kiện theo quy định tham gia tổ chuyên gia đấu thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch; các nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm, nguồn lực tài chính…
Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trên phải giải quyết kịp thời, thấu đáo các kiến nghị, phản ánh của nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng quy định; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư, không để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại kéo dài; thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng báo cáo công tác đấu thầu định kỳ, đột xuất theo quy định; chịu trách toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT về kết quả thực hiện công tác đấu thầu.