Biết ông đã lâu, tôi nhớ mãi hình ảnh ông chạy chiếc Mobylette xám, mỗi sáng đưa con trai nhỏ đi học ngang nhà. Nhưng tôi thực sự làm việc nhiều với giáo sư, sau cuộc bầu hiệu trưởng đầy cam go của Đại học Tổng hợp TPHCM và ông là người cuối cùng nắm số phiếu cao nhất.
Đó là khoảng năm 1990, và là đợt Bộ Đại học thử nghiệm việc bầu hiệu trưởng đại học. Cánh cửa dân chủ lần đầu tiên được mở cho khối đại học. Nhưng sau khoảng 10 đại học bầu hiệu trưởng, có vẻ các hiệu trưởng được bầu có suy nghĩ khá thoáng, gây lo ngại cho nhiều cấp quản lý. Sau đó, việc bầu hiệu trưởng đại học đã phải dừng lại.
Và Đại học Tổng hợp là một trong những đại học đầu tiên thử nghiệm đa dạng hóa loại hình đào tạo có yếu tố thị trường: mở hệ đại học ghi danh. Tiếp nối truyền thống “xé rào” của hiệu trưởng cũ - Anh hùng lao động, PGS-TS Lý Hòa - người tiên phong vượt qua mọi khuôn khổ quản lý xơ cứng và giáo điều của Bộ Đại học, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao nói: “Với cơ chế xin - cho chỉ tiêu tuyển sinh từ bộ, cứ vầy thì thầy của mình đói ăn, trong khi học trò đói chữ. Thôi thì, phải tiếp tục thử nghiệm hệ đào tạo ghi danh có thu tiền. Ráng làm cho kỹ, khỏi bị bắt giò”. Vậy mà, sau mấy năm thử nghiệm, ông cũng bị “bắt giò”, buộc phải giản tán Khoa Luật. Nhiều năm sau gặp lại, khi cơ chế đại học đã “dễ thở” hơn, ông nói nhẹ nhàng: “Lúc đó, đã gọi là “vòng kim cô”, có nới rộng thì vẫn là vòng kim cô thôi!”.
Về những bất cập trong quản lý thời gian qua của ngành giáo dục, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao đã thẳng thắn: “Ngành giáo dục thiếu một tổng chỉ huy có tầm nhìn vĩ mô, đủ sức lãnh đạo một cách toàn diện”.
Đến khi về làm Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM, giáo sư đã nhiều lần đề nghị với Trung ương: “Cần phải tạo cho giới khoa học và công nghệ TPHCM một cơ chế riêng, chủ động hơn. Chứ cứ đợi Trung ương nói làm gì mới được làm thì khoa học - công nghệ của thành phố khó phát triển hơn được”.
Ông là vậy. Bên ngoài dáng vẻ nho nhã, là những lời nói bộc trực của “anh hai Nam bộ”. Chỉ chưa đầy một năm trước đây, vào tháng 3-2018, trong cuộc họp phản biện dự thảo Đề án thu hút nhân tài của TPHCM, ông đã cảnh báo những nội dung chưa được của dự thảo: tình trạng nói là “trải thảm” nhưng dưới “thảm” là “đinh” đang xảy ra hiện nay. Và, “những cái đinh đáng sợ” chính là thủ tục hành chính; trong khi các chuyên gia rất ngại “phải thế này, phải thế kia, phải nhiều quá”.
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao sinh ra tại Sài Gòn, nhưng quê gốc ở Bến Tre, nên trong những công trình nghiên cứu về ĐBSCL, dường như lúc nào ông cũng khắc khoải câu hỏi: “Đó là vựa lúa lớn nhất nước, đóng góp chủ lực vào lượng lúa gạo xuất khẩu cũng như dự trữ lương thực quốc gia. Nhưng sao tài sản trung bình của người dân trong vùng lại thuộc hàng thấp nhất nước...”.
Trên hết, ông còn là một nhà khoa học, cái nghiệp khó rời bỏ, dù đã tham gia công tác quản lý. Giáo sư là tác giả của 5 giáo trình Toán cho Vật lý và Vật lý lý thuyết (Phép tính toán tử, Lý thuyết nhóm I, Lý thuyết nhóm II, Hạt cơ bản, Trường hấp dẫn) dùng cho bậc đại học và cao học; là chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu cấp bộ và đã công bố trên 40 công trình về lý thuyết hạt cơ bản và vũ trụ học trên các tạp chí khoa học, các hội nghị khoa học.
Ngày 19-5-2018 vừa qua, ông đã tặng lại 1.500 tài liệu nghiên cứu và hiện vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Ông cũng đã cố làm những gì có thể, cho đời. Xin mượn 2 câu thơ của Huyền Không để tiễn biệt ông - GS-TS Nguyễn Ngọc Giao - người vừa rời “cõi tạm”:
Ngàn năm mây trắng thong dong
Phiêu bồng hóa hiện mênh mông cuối trời