Cổ đông thúc ngân hàng lên sàn
Trong năm 2018, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, VN-Index lần đầu tiên đạt đỉnh 1.200 điểm sau gần 10 năm, cổ phiếu ngành ngân hàng đã quay lại vị thế “cổ phiếu vua” trên thị trường nên rất nhiều ngân hàng lên kế hoạch niêm yết, nhưng chỉ có 3 ngân hàng thương mại là Techcombank, HDBank và TPBank niêm yết thành công. Đa số các ngân hàng đều cho rằng chưa tìm được thời điểm thuận lợi.
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc chậm lên sàn tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2019, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết do ngân hàng phải cân nhắc thời điểm lên sàn để tốt cho việc quản trị điều hành và tạo giá trị gia tăng cho cổ đông. Nếu tính ở nhóm các ngân hàng có mức lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng, OCB là một trong rất ít ngân hàng còn “room” vốn ngoại. Do đó, việc tìm kiếm, kêu gọi cổ đông chiến lược để gia tăng năng lực tài chính nhằm tạo vị thế, định vị cổ phiếu rồi mới niêm yết, tạo giá trị gia tăng cho khách hàng được HĐQT cân nhắc kỹ. Theo lãnh đạo OCB, từ quý 2-2018 trở đi, thị trường chứng khoán không thuận lợi nên việc thực hiện niêm yết cổ phiếu chưa được hoàn tất. Dự kiến trong quý 3-2019, OCB sẽ lên sàn nếu thị trường thuận lợi.
Tương tự, tại ĐHCĐ năm 2019 của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB), lãnh đạo MSB cho biết do tình hình thị trường tài chính, chứng khoán giai đoạn cuối 2018 và đầu 2019 kém tích cực, nên ban lãnh đạo ngân hàng đã quyết định lùi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại sàn HoSE đến quý 3-2019. Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đã thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu lên HoSE trong năm nay. Việc niêm yết cũng nhằm thực hiện quy định của cơ quan quản lý, giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, nâng cao hình ảnh và thương hiệu.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng cho biết ngay sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, ngân hàng sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông để lưu ký tập trung toàn bộ cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và nộp hồ sơ niêm yết cho HoSE.
Không thể trì hoãn
Việc không ít ngân hàng đưa ra kế hoạch cấp tập lên sàn bởi lẽ, năm 2020 là thời hạn cuối các ngân hàng buộc phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức theo quy định tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” (vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào cuối tháng 2-2019). Việc các cổ đông mong muốn ngân hàng lên sàn là hợp lý vì việc này sẽ nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, từ đó củng cố lòng tin đối với các nhà đầu tư, không chỉ trong nước mà cả nhà đầu tư quốc tế, để việc thu hút vốn của ngân hàng thuận lợi hơn, nhất là khi thời hạn phải áp dụng chuẩn Basel II đang cận kề.
NCác chuyên gia trong ngành cho rằng, với nhóm ngân hàng trong diện yếu kém, cần có cơ chế đặc biệt chứ không nên bắt buộc phải niêm yết đúng hạn. Đó cũng là lý do khiến một vài ngân hàng mặc dù hạn chót kề cận nhưng trong ĐHCĐ 2019 vẫn chưa đề cập gì đến vấn đề lên sàn, hoặc có lên kế hoạch nhưng thời điểm lên sàn vẫn còn bỏ ngỏ. |
Lãnh đạo OCB nhìn nhận, so với năm trước, năm nay việc lên sàn của các ngân hàng sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao về triển vọng kinh tế trong năm 2019 và xét ở góc độ vĩ mô thì đó là những điều kiện thuận lợi cho việc ngân hàng lên sàn. Tuy nhiên, việc lên sàn thành công hay không còn tùy tình hình tài chính, “sức khỏe” định hướng của mỗi ngân hàng.
Thực tế cho thấy, hiện có không ít các ngân hàng đang phải nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại còn tồn đọng từ giai đoạn trước đây như xử lý nợ xấu, sở hữu chéo… Đặc biệt là các ngân hàng trong diện yếu kém, tình hình kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều, thương hiệu giảm sút thì việc lên sàn sẽ khó thành công.