Ngân hàng Thế giới: Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng, Việt Nam tăng trưởng 7,2% trong năm 2022

Theo Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10-2022 của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do tiếp tục các biện pháp kiềm chế Covid-19, chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022. Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2%. 

 

 

Theo Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10-2022 mà Ngân hàng Thế giới công bố hôm nay, 27-9, Tăng trưởng tại hầu hết các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi trong năm 2022 sau khi bị Covid-19 gây ảnh hưởng, trong khi đó Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do tiếp tục các biện pháp kiềm chế Covid-19. 

Trong thời gian tới, kết quả kinh tế trên khắp khu vực có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu trên toàn cầu chững lại, nợ gia tăng và tình trạng lệ thuộc vào các biện pháp xử lý kinh tế ngắn hạn nhằm chống đỡ giá lương thực thực phẩm, nhiên liệu tăng cao.

Tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ngoài Trung Quốc được dự báo sẽ tăng tốc lên 5,3% trong năm 2022 so với 2,6% trong năm 2021.

Trong khi đó, Trung Quốc - trước đó là quốc gia dẫn dắt phục hồi trong khu vực, hiện đang được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với 8,1% trong năm 2021. Trong toàn khu vực, tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại còn 3,2% trong năm nay, so với 7,2% trong năm 2021, trước khi tăng lên 4,6% trong năm tới, theo nhận định tại báo cáo.

Vẫn theo bản báo cáo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đang dần làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu và các sản phẩm chế tạo chế biến xuất khẩu của khu vực. Lạm phát tăng đồng loạt khiến cho lãi suất cũng tăng lên, qua đó làm cho dòng vốn chạy ra ngoài và đồng tiền mất giá tại một số quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương. Những diễn biến đó làm tăng gánh nặng trả nợ và thu hẹp dư địa tài khóa, ảnh hưởng xấu đến các quốc gia rơi vào đại dịch với gánh nặng nợ cao.

Theo ước tính của định chế tài chính này, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2% trong năm 2022, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Tỷ lệ nghèo dự kiến giảm từ 3,7% trong năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022, tính theo Chuẩn nghèo quốc tế LMIC của Ngân hàng Thế giới (3,65 USD/ngày). Tuy nhiên, nền kinh tế đang phải đối mặt với những rủi ro suy thoái ngày càng lớn liên quan đến sự suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính, lạm phát cao hơn và rủi ro tài chính gia tăng.

Tin cùng chuyên mục