Báo cáo điểm lại Kinh tế Việt Nam trong ấn bản tháng 8-2023 được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố sáng nay 10-8, đã điểm lại những diễn biến gần đây của nền kinh tế Việt Nam và thảo luận về triển vọng ngắn hạn và trung hạn của nền kinh tế.
Theo đó, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay và những năm tiếp theo; đạt mức tăng trưởng kinh tế là 4,7% trong năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025.
“Môi trường bên ngoài khó khăn và nhu cầu trong nước suy yếu đang làm cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại”, báo cáo nêu rõ.
Theo WB, môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều thách thức với những rủi ro theo chiều hướng tiêu cực và hiện diện trong ngắn hạn. Tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,1% trong năm 2023, so với mức 3,1% trong năm 2022, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu đang yếu đi. Song song với việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chững lại, tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến cũng giảm từ 6% trong năm 2022 xuống còn 1,7% trong năm 2023.
Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, chỉ đạt 3,7% |
Trong xu thế đó, sau khi đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, chỉ đạt 3,7%.
Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn được duy trì và đầu tư công tăng nhẹ, nhưng tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội vẫn bị giảm do tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm mạnh xuống còn 2,4% so cùng kỳ sau khi đạt mức 11,8% (so cùng kỳ) vào năm trước.
Các chuyên gia WB nhấn mạnh, ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy các cải cách thể chế cơ cấu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng - những lĩnh vực có tác động mạnh mẽ đối với tăng trưởng dài hạn.
Báo cáo cũng đã đề xuất một số lựa chọn chính sách để đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại đúng quỹ đạo. Đó là thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023 nhằm kích thích tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Việt Nam nên duy trì mức đầu tư, nâng cao chất lượng của dự án; khắc phục những tồn tại trong quản lý đầu tư công và thể chế tài chính liên ngành.
“Chính phủ cần cải thiện chất lượng đầu vào của dự án bằng cách bố trí thêm thời gian và ngân sách cho khâu chuẩn bị dự án, đồng thời đưa ra hướng dẫn về phương pháp luận để xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án. Cần định kỳ cập nhật định mức, đơn giá đầu tư và giá đất cho sát hơn với thị trường để đảm bảo dự toán được lập sát thực tế”, bản báo cáo nêu khuyến nghị.
Về xuất khẩu, cần đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài.