Nguyên nhân là do tiêu dùng tư nhân yếu đi, thị trường bất động sản ảm đạm và nhu cầu bên ngoài giảm mạnh. Điểm sáng, theo định chế tài chính này, là tỷ lệ hộ nghèo dự kiến giảm từ 3,2% trong năm 2022 xuống còn 3% trong năm 2023.
Theo WB, sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nước và bên ngoài trong năm 2023. Điều quan trọng để đảm bảo tăng trưởng trong ngắn hạn là đẩy nhanh đầu tư công, củng cố lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.
Trong dài hạn, để hiện thức hóa kỳ vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, WB khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao năng suất qua cải thiện các nền tảng căn bản của khu vực tài chính; xử lý những ách tắc về thể chế trong đầu tư công nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng; tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân trong nước hoạt động hiệu quả hơn; xử lý hiệu quả hơn những rủi ro về biến đổi khí hậu và bền vững môi trường.
Vẫn theo dự báo WB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025. Nhu cầu trong nước vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái. Lạm phát bình quân trong năm 2023 ước đạt 3,5%, do dự kiến tăng lương công chức, viên chức, sau đó giảm còn 3% trong năm 2024 và 2025 với giả định giá cả năng lượng và thương phẩm vẫn ổn định.