Thông cáo báo chí phát đi từ định chế tài chính này sáng 30-6 nêu rõ, động thái này đã khẳng định cam kết của WB nhằm hỗ trợ các nỗ lực phục hồi của Việt Nam. “Đại dịch Covid-19 đã cho thấy Việt Nam càng cần phải đẩy mạnh cải cách nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam không những phải quản lý tốt những tác động trước mắt do đại dịch gây ra mà còn cần xây dựng nền tảng cho sự phục hồi xanh trong dài hạn”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam bình luận.
Theo Chương trình, khoản tín dụng đầu tiên trị giá 221,5 triệu USD tập trung vào hỗ trợ các hành động chính sách giúp phục hồi toàn diện hơn, từ chính phủ điện tử và năng lượng tái tạo cho tới hỗ trợ dịch vụ chăm sóc trẻ và thanh toán di động. Qua việc nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc trẻ có chất lượng với chi phí hợp lý, hỗ trợ chính sách này sẽ giúp giải quyết một trong những rào cản lớn nhất đối với vấn đề bình đẳng giới tại các khu công nghiệp. Việc hỗ trợ phát triển thanh toán di động nhằm tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính cho các hộ gia đình chưa có tài khoản ngân hàng, vốn vẫn chiếm đa số tại Việt Nam.
Các hoạt động phát triển chính phủ điện tử sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi dựa trên chuyển đổi số, nhờ đó các dịch vụ công sẽ được cung cấp hiệu quả và toàn diện hơn cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam ưu tiên các dự án năng lượng mặt trời, là những giải pháp xanh hơn và ít phát thải các-bon hơn so với điện than.
Chương trình thứ hai, sử dụng khoản vay 100 triệu USD, hỗ trợ TPHCM thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu không gian tích hợp và minh bạch cho quản lý đô thị. Chương trình này cũng được thiết kế để tăng cường quản lý nợ và tài sản công, và cải thiện hoạt động cung cấp các dịch vụ ưu tiên của thành phố - ba yếu tố cơ bản để quản lý hiệu quả một thành phố hiện đại.
Những cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin quy hoạch sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh của TPHCM, từ đó thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, tăng năng suất lao động và tạo việc làm.
Thông qua việc tăng cường hiệu quả quản lý nợ và tài sản công, chương trình này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả tài khóa và tạo thêm nguồn thu cho TPHCM trong những năm tới. Về lâu dài, người dân sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ đô thị chất lượng cao hơn, sau khi thành phố thực hiện cải cách nhằm nâng cao tính cạnh tranh và minh bạch của các thủ tục trong lĩnh vực giao thông và bất động sản.
Đồng thời, chương trình còn giúp TPHCM giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu, thông qua tăng cường tính minh bạch về quy hoạch phân khu có tính đến yếu tố khí hậu, mở rộng mạng lưới thoát nước và dự kiến chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng ít phát thải carbon hơn. Chương trình này cũng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái sử dụng phương tiện giao thông công cộng do khả năng kết nối và an toàn cá nhân đều được nâng cao.
Nguồn tài trợ cho chương trình DPO của Chính phủ Việt Nam đến từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và nguồn tài trợ cho chương trình DPO của TPHCM là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD).