Nhu cầu vốn tăng cao
Kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, để huy động tiền nhàn rỗi trong dân, nhiều NHTM đã tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,2%-0,8%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Động thái này nhằm giúp các NHTM tăng nguồn vốn cho vay trong dịp tết, đẩy mạnh cho vay, đưa một nguồn vốn lớn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều NHTM cho biết, hiện một phần không nhỏ tiền gửi tại ngân hàng đã chảy qua các kênh đầu tư có mức sinh lời tốt hơn như: vàng, chứng khoán, bất động sản. Điều này khiến các NHTM buộc phải “đứng giữa” sự cân đối: tăng lãi suất tiền gửi để thu hút vốn và giữ mức lãi suất cho vay, “đủ để” hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Thực tế, trong tháng 1-2022, tăng trưởng tín dụng đã tăng lên tới 2,74% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu vốn tăng mạnh ngay từ tháng đầu năm. Bộ phận phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng tăng mạnh. Hơn nữa, áp lực lạm phát tăng dần nên lãi suất huy động có thể sẽ bắt đầu nhích lên trong nửa cuối năm 2022. Riêng đối với nhóm NHTM Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank), có khả năng cũng sẽ tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,2%-0,25%/năm so với mức lãi suất hiện tại.
Nhiều gói hỗ trợ kích cầu
Mặc dù tăng lãi suất tiền gửi, nhưng nhiều NHTM cho biết, nhà nước đang kích cầu tín dụng nên các ngân hàng vẫn có những gói lãi suất cho vay ưu đãi dành cho cá nhân cũng như doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn thì lãi suất cho vay chắc chắn sẽ khó giữ mặt bằng như năm 2021.
Trong khi đó, NHNN khẳng định, chính sách tiền tệ đang hướng về hỗ trợ doanh nghiệp và ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực phục hồi kinh tế trong năm 2022. Cụ thể, trong 2 năm 2022 và 2023, thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có gói ngân sách hỗ trợ cấp bù 2% lãi suất cho vay trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua ngân hàng. Hiện NHNN đang dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này và lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, dự kiến sẽ ban hành để triển khai trong tháng 3-2022.
Để được hỗ trợ lãi suất thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khách hàng phải có đơn đề nghị và được ngân hàng cho vay chấp thuận tại thời điểm giải ngân, hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay. Đáng lưu ý, dự thảo của NHNN cũng đề ra nguyên tắc cụ thể để ngăn ngừa việc trục lợi chính sách. Đó là nếu khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo kết luận của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thì khách hàng có trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã được hỗ trợ lãi suất để hoàn trả ngân sách nhà nước. Quy định này được đánh giá nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên hỗ trợ lãi suất sử dụng vốn vay vào các mục đích khác, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực không được ưu tiên như bất động sản, chứng khoán…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vì là gói hỗ trợ nên sẽ khó tránh được một số NHTM không mặn mà vì lợi nhuận thấp, áp lực từ việc bị thanh kiểm tra, phải báo cáo thường xuyên với ngành chức năng và có thể gặp rủi ro không được quyết toán…
Lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho rằng, điều khiến các NHTM băn khoăn nhất hiện nay là thủ tục quyết toán cấp bù lãi suất. Dự thảo nghị định quy định, Bộ Tài chính tạm cấp bù lãi suất cho NHTM theo định kỳ hàng quý, số tiền tạm cấp bù lãi suất bằng 90% số tiền NHTM đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong quý. “Mức tạm ứng cần cao hơn nữa, khoảng 95% và điều kiện, thủ tục quyết toán phải chi tiết, rõ ràng hơn để các ngân hàng thực hiện, vì trên thực tế, nhiều trường hợp được hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 nhưng đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong”, vị này đề nghị.
Về phía doanh nghiệp, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp là không đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất nói trên. Bởi lẽ, các NHTM cho biết, sẽ không hạ chuẩn đối với gói hỗ trợ này nhằm đảm bảo an toàn cho ngân hàng. Trong khi đó, hiện có đến 90% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí kiệt quệ do dịch Covid-19 kéo dài nên việc siết chặt điều kiện cấp tín dụng khiến các doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận.
TPHCM cho vay an sinh xã hội lãi suất 2%
|