
Hành trình đầy năng động sáng tạo
Ngày 9-3, TPHCM chính thức khánh thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau hơn 2 tháng vận hành thương mại. Đây không chỉ là niềm tự hào của TPHCM mà còn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển đổi giao thông đô thị.
Tại sự kiện này Ngân hàng Số Vikki (Vikki Digital Bank) đã trở thành đối tác đồng hành cùng hệ thống metro số 1, nhằm thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt và sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại TPHCM.
Sự xuất hiện của Vikki Digital Bank trong sự kiện trọng đại này là điểm bất ngờ vì ngân hàng số này chỉ vừa “trình làng” không lâu. Cụ thể vào ngày 17-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cho HDBank.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, chỉ sau một tháng tiếp nhận chuyển giao, HDBank đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy quản trị, vận hành và chính thức chuyển đổi DongA Bank thành Vikki Digital Bank, mở ra một chương mới cho tương lai nghề nghiệp của hơn 4.000 nhân viên tận tâm, chu đáo, với hình ảnh hiện đại, thân thiện và tiện nghi.
Ngày 17-2, Vikki Digital Bank đã đồng loạt mở cửa chào đón khách hàng tới giao dịch tại tất cả các điểm kinh doanh trên toàn quốc với diện mạo mới. Như vậy, chỉ sau nửa tháng thay “áo mới” dưới ngôi nhà HDBank, Vikki Digital Bank đã lập tức đồng hành cùng TPHCM bước vào một chương mới trên hành trình phát triển đô thị hiện đại.
Sự năng động của Vikki Digital Bank cũng phù hợp tinh thần mang tính truyền thống mà HDBank đã thể hiện trong nhiều năm qua, vừa tích cực trên “mặt trận” tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vừa tiên phong trong việc góp phần góp sức vào sự phát triển của TPHCM.
Tái cấu trúc mạnh mẽ và hiệu quả
Nhìn lại một quá trình vừa qua, hoạt động tái cấu trúc ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và NHNN với các mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh, cấu trúc lại cơ cấu hoạt động, để hệ thống ngân hàng hòa nhập và có sức cạnh tranh với quốc tế.
Trong hành trình đó, HDBank đã mua lại 100% vốn cổ phần của công ty tài chính Societe Generale Viet Finance (SGVF) - công ty con của tập đoàn Societe Generale (Pháp) và đổi tên công ty SGVF thành HDFinance.
Đây là giao dịch đầu tiên theo phương thức mua lại tổ chức tín dụng và được xem là giao dịch mở đầu cho xu hướng các định chế Việt Nam mua lại các định chế khác để hình thành các tập đoàn tài chính, góp phần làm giảm số lượng các định chế tài chính trong xu hướng tái cấu trúc hệ thống.
Tiếp theo đó, HDBank đã chuyển nhượng thành công 49% vốn của công ty tài chính cho đối tác Nhật Bản, đồng thời đổi tên thành HD SAISON. Sự hợp tác giữa NHTM lớn của Việt Nam với tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng lớn nhất Nhật Bản này đã góp phần phát triển thị trường tài chính, đa dạng hóa các sản phẩm cho vay tiêu dùng tại Việt Nam theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả.
Các thương vụ lớn này đã giúp HDBank từ một ngân hàng hoạt động trong phạm vi TPHCM và Đông Nam bộ đã gia tăng quy mô hoạt động trên cả nước với năng lực phát triển mở rộng ở các lĩnh vực khác nhau. Nền tảng đó giúp HDBank đảm bảo lợi ích tốt hơn cho khách hàng, đối tác, cổ đông và cán bộ nhân viên.
Sau 35 năm phát triển, trong đó có 10 năm liên tục đổi mới (2014-2024), HDBank đã cho thấy những bước tiến mạnh mẽ và toàn diện. Lợi nhuận trước thuế đến nay đã tăng trưởng vượt bậc gần 26 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 39%/năm. Tổng tài sản tăng 6 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 21,5%/năm và vốn điều lệ tăng trên 3 lần.
Kết thúc năm 2024, HDBank đạt tổng tài sản 697.366 tỷ đồng (tăng 15,8%); lợi nhuận đạt 16.730 tỷ đồng (tăng 28,5%); ROA đạt 2%; ROE đạt 25,7%; tỷ lệ nợ xấu hợp nhất (theo Thông tư 31) được kiểm soát ở mức 1,48%; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 14% (dẫn đầu thị trường).
Tính đến cuối năm 2024, HDBank phục vụ hơn 20 triệu khách hàng, bao gồm khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, thông qua mạng lưới hơn 370 điểm giao dịch ngân hàng và trên 26.000 điểm giao dịch tài chính trên toàn quốc và ngân hàng số hiện đại, dẫn đầu thị trường.
Hành trình bền bỉ cùng TPHCM
Là một ngân hàng sinh ra từ thành phố mang tên Bác, HDBank cũng không ngừng đóng góp tích cực cho TPHCM. Một dấu ấn đáng nhớ thể hiện tinh thần này là vào tháng 3-2022, trong “Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến 2030”, đại diện lãnh đạo Sovico và HDBank, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã kiến nghị TPHCM tiếp tục phát triển và nâng hạng thị trường chứng khoán, từ mức 5,8 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng hơn 250 tỷ USD.
“Cùng với nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TPHCM có thể đưa mức này lên trên 100%, thậm chí 120% GDP quốc gia và sánh vai với các thị trường tiên tiến trên thế giới như New York, London, Singapore”, nữ tỷ phú nhấn mạnh. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng kiến nghị xây dựng TPHCM là điểm đến du lịch quốc tế với các thị trường đa dạng về tài chính, ẩm thực, văn hóa; thúc đẩy đầu tư công. Bên cạnh đó, khuyến khích kinh tế tư nhân bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp công nghệ cao, các công ty khởi nghiệp.
Với vai trò là đối tác của Liên hợp quốc, UNESCO, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất đồng hành để xây dựng TPHCM thành một thành phố sáng tạo trên nền tảng văn hóa, lịch sử truyền thống, đạt các tiêu chí của UNESCO trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết sẵn sàng hỗ trợ TPHCM trong việc xây dựng kinh tế số và dịch vụ hành chính công qua nền tảng fintech với kinh nghiệm xây dựng, điều hành hệ thống công nghệ lớn với hàng trăm triệu người dùng, tuân thủ chuẩn mực quốc tế về công nghệ thông tin.
Xuyên suốt qua các thời kỳ xây dựng và phát triển từ khi ra đời cho đến nay, HDBank luôn giữ vững sứ mệnh được đặt ra ban đầu. Không chỉ vừa tích cực trong việc phát triển kinh tế đất nước và tham gia hiện thực hóa các mục tiêu của cơ chế chính sách mà còn vừa góp phần trong lan tỏa tính kết nối trong cộng đồng.
Đối với HDBank, đó là một hành trình bền bỉ, vững vàng và không ngừng bứt phá để gia tăng đóng góp cho “đầu tàu” kinh tế của đất nước nói riêng và Việt Nam nói chung.