Nhiều kết quả tích cực
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm nay NHNN lựa chọn chủ đề thông điệp “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” cho sự kiện chuyển đổi số. Chủ đề này sẽ hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và định hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng với việc lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo.
Về kết quả chuyển đổi số, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tính đến nay, cả nước có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Ngành ngân hàng cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh khách hàng.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành ngân hàng với vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Vì vậy, ngành ngân hàng cần tiên phong trong chuyển đổi số, để từ đó tạo sự lan tỏa và động lực dẫn dắt các lĩnh vực khác cùng chuyển đổi.
Thủ tướng đánh giá cao các kết quả tích cực từ công tác chuyển đổi số quốc gia mà ngành ngân hàng đã đạt được thời gian qua. Đơn cử, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công ngành ngân hàng trực tuyến toàn trình và tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia và Đề án 06.
“Hiện có hơn 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng, gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên cổng dịch vụ công quốc gia, gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.900 tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4. Tính riêng 25 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 hằng năm, đã tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm”, Thủ tướng dẫn chứng.
Chuyển đổi số phải toàn diện và chú ý chất lượng
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số ngân hàng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trước hết, thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế, công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, còn chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến.
Từ thực tiễn chuyển đổi số ngân hàng thời gian qua, và định hướng công tác chuyển đổi số của ngành ngân hàng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng cần thực hiện “3 mục tiêu và 5 quan điểm”.
3 mục tiêu thời gian tới trong chuyển đổi số ngành ngân hàng là: tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính - sự nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất, tốt nhất với tất cả các dịch vụ ngân hàng; góp phần tiết giảm chi phí về thời gian, vật chất, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính - sự nghiệp và bản thân hệ thống ngân hàng; và góp phần đắc lực, hiệu quả kiểm soát rủi ro, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu.
Thủ tướng cũng nêu ra 5 quan điểm về chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Thứ nhất, phải quán triệt, bám sát và hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng thực chất, hiệu quả.
Thứ hai, nắm bắt cơ hội, thách thức từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vận dụng phù hợp, hiệu quả với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam để định hướng các hoạt động của chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Thứ ba, chuyển đổi số ngành ngân hàng phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết hợp với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt để phát triển ngành ngân hàng Việt Nam.
Thứ tư, chuyển đổi số ngành ngân hàng phải tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Thứ năm, chuyển đổi số ngân hàng phải đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương.
Về nhiệm vụ, giải pháp chung trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ ngành ngân hàng phải đẩy mạnh 5 nhóm giải pháp.
Một là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Hai là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số.
Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền.
Bốn là, phát triển nhân lực số chất lượng cao cho ngành ngân hàng để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Năm là, đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới, NHNN nói riêng và ngành ngân hàng nói chung sẽ bám sát chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng đạt hiệu quả, từ đó tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt các lĩnh vực khác.