Tín dụng dần cải thiện
Tín dụng tăng trưởng âm, thanh khoản hệ thống dư thừa nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có động thái hút ròng tiền trên thị trường về thông qua kênh tín phiếu nhằm giảm áp lực đầu cơ tỷ giá. Trong tháng 3-2024, NHNN đã hút ròng hơn 170.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh này.
Mặc dù vậy, lãi suất tiết kiệm vẫn giảm sâu nên nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang nỗ lực đẩy vốn giá rẻ ra thị trường để kích cầu tín dụng. Sacombank có gói 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh, lãi suất chỉ 3%/năm. Agribank dành khoảng 50.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh lãi suất từ 3-4%/năm. SHB cũng vừa giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn còn từ 5,79%/năm cho cá nhân và 5,8%/năm cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh…
Với nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế, tính đến ngày 25-3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023. Trong khi trước đó, nhiều NHTM, đặc biệt là các NHTM lớn cho biết tín dụng vẫn âm. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, cho biết, hơn 2 tháng đầu năm, BIDV đã giải ngân hơn 470.000 tỷ đồng, mặc dù dư nợ giảm hơn 1% so với cuối năm 2023. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank, cũng cho biết, chênh lệch cho vay và thu hồi nợ sau hơn 2 tháng giảm 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Chưa công bố cập nhật mới nhưng tín dụng của Vietcombank trong tháng 1-2024 giảm tới 2,3% so với cuối năm 2023, tương ứng mức giảm ròng gần 30.000 tỷ đồng… Nguyên nhân được lãnh đạo các NHTM trên cho biết, chủ yếu do yếu tố mùa vụ và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu.
Tăng cường kết nối cung - cầu
Dù nỗ lực đẩy vốn ra thị trường nhưng báo cáo mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) gửi UBND TPHCM phản ánh: nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng mặc dù ngành ngân hàng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về lãi suất cũng như cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ. Khảo sát từ HUBA cho thấy, có 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Từ đó, HUBA kiến nghị xem xét tăng tỷ lệ cho vay với các tài sản thế chấp, mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai… Cùng đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị, ngân hàng nên nới điều kiện, tiêu chí cho vay để họ có thể tiếp cận vốn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, nhận định, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM đã và đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp mở rộng và tăng trưởng tín dụng gắn với hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, việc kết nối cung - cầu về vốn thời gian qua đã góp phần cải thiện tín dụng tại TPHCM. Với gói tín dụng 509.000 tỷ đồng mà 17 NHTM đã đăng ký qua chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2024, sau 2 tháng, đã giải ngân được gần 52.000 tỷ đồng cho 15.390 khách hàng, đạt gần 11% quy mô gói tín dụng.
“Tốc độ giải ngân gói tín dụng này cho thấy hiệu quả rất lớn thông qua việc kết nối cung - cầu, qua đó không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ, có điều kiện thuận lợi để sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn để phát triển mà còn là động lực để tăng trưởng tín dụng trên địa bàn”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Bà Võ Thị Bích Hạnh, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh (huyện Củ Chi) cho biết, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, bà đã vay được kịp thời 15 tỷ đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, bà Hạnh đã mạnh dạn nâng quy mô đầu tư hệ thống sản xuất bánh tráng từ 1 tỷ đồng lên 8 tỷ đồng với công suất khoảng 6 tấn/ngày.
“Với dây chuyền sản xuất bánh tráng có hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời, công suất bình quân 9 tấn/ngày, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ cao cấp, sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở nhiều thị trường trong và người nước. Hiện 50% sản phẩm của cơ sở tiêu thụ trong nước và 50% tại thị trường Mỹ và Pháp”, bà Hạnh chia sẻ.
Ông Lê Tấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kho gạo Sài Gòn, cũng cho biết, thông qua kết nối ngân hàng - doanh nghiệp có thể tin tưởng nhau hơn. Qua đó, doanh nghiệp được tiếp cận kịp thời nguồn vốn, giúp tiết kiệm chi phí, vượt qua khó khăn, có thêm nguồn lực mở rộng kinh doanh.
TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, lãi suất huy động gần như chạm đáy là cơ hội để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sự phục hồi của kinh tế thế giới ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng tín dụng trong nước. Bên cạnh đó, giảm lãi suất cho vay cũng là một trong những yếu tố giúp tín dụng tăng trưởng. Khi lãi suất cho vay được kéo xuống cùng với nhu cầu vốn phục vụ cho xuất khẩu, luân chuyển hàng hóa, vật tư đã bắt đầu hồi phục, tín dụng năm 2024 có khả năng tăng tốc từ quý 3 và đạt mục tiêu tăng trưởng 14-15%.