Báo cáo với Đoàn công tác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, xác định rõ vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ, tài khóa, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lạm phát 7 tháng năm 2022 được kiểm soát tốt, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra, cơ bản bình quân ở mức 1,44%, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng mức xếp hạng của Việt Nam từ BB lên BB+ vào tháng 5-2022.
Đối với triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng) và tổng hợp, bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 (gần 23.965 tỷ đồng); ra thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng ngân hàng thương mại triển khai chương trình.
Triển khai các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải ngân tái cấp vốn 4.787 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay theo nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đến cuối tháng 7-2022 dư nợ của Chương trình là 4.192 tỷ đồng, với 1.083 khách hàng còn dư nợ. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán…
Các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước các diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, đáp ứng quá trình phục hồi của kinh tế - xã hội của đất nước sau giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19. Tăng cường chỉ đạo thực hiện tín dụng chủ động, đa dạng các sản phẩm tín dụng, ngân hàng, làm giảm lãi suất, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng cường người dân tiếp cận nguồn tín dụng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Cơ bản nhất trí các định hướng, giải pháp được Ngân hàng Nhà nước xác định, song nhiều ý kiến đề nghị, cần báo cáo cụ thể về giải pháp để hạn chế tác động của việc FED điều chỉnh lãi suất, cũng như điều chỉnh chính sách của một số nền kinh tế lớn trên thế giới; quan điểm về việc điều chỉnh lãi suất khi đứng trước bối cảnh vừa chịu áp lực từ thế giới, vừa phải thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Một số ý kiến cũng đề nghị, cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn từ ngân hàng với thủ tục đơn giản, mức lãi suất thấp nhất trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hạn chế tín dụng đen.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng. Trong công tác xây dựng pháp luật, bên cạnh hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm tiếp tục rà soát các luật khác như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước… nhằm góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.