Trả lương qua tài khoản

Ngân hàng mừng - dân băn khoăn

Ưu điểm nhiều, nhược điểm cũng... lớn
Ngân hàng mừng - dân băn khoăn

Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-1-2008, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sẽ được trả lương qua tài khoản. Cho đến hôm nay (5-1-2008), Chỉ thị đã có hiệu lực được 5 ngày, các ngân hàng đã vào cuộc từ lâu, trong khi đó nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn băn khoăn chưa thực hiện vì nhiều lý do.

Ngân hàng đã sẵn sàng

Ngân hàng mừng - dân băn khoăn ảnh 1
Khách hàng rút tiền từ máy ATM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ lâu, nhiều đơn vị, nhất là các công ty nước ngoài và công ty liên doanh đã áp dụng phương thức trả lương qua thẻ thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, khi áp dụng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các ngân hàng nỗ lực mời gọi đối tượng tham gia rộng rãi hơn, phổ biến hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phòng thẻ phía Nam, Ngân hàng Techcombank, Techcombank đã tiếp cận được nhiều đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và phần lớn đều ủng hộ việc hướng đến xu thế giao dịch không sử dụng tiền mặt trong tương lai.

Một cán bộ ở Phòng quản lý dịch vụ thẻ Ngân hàng Vietcombank - TPHCM cho biết, Vietcombank lâu nay nổi tiếng với sản phẩm “ATM Connect 24” nên đã có lượng khách hàng ổn định và đang có một lượng khách hàng mới cũng khá lớn là đối tượng được trả lương qua thẻ.

Sắp tới, Vietcombank sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi (như thêm máy, thêm dịch vụ tại nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị…) để người lãnh lương qua thẻ cảm thấy sử dụng thẻ ATM thật sự tiện lợi. Hiện nay, Vietcombank có hệ thống máy rút tiền tự động khá lớn (890 máy) trên khắp cả nước (riêng TPHCM gần 300 máy).

Một ngân hàng nữa có thế mạnh về thẻ là Ngân hàng Đông Á có số lượng máy ATM đứng hàng thứ 2 toàn quốc với hơn 700 máy để phục vụ hơn 1,5 triệu tài khoản thẻ và khoảng 300.000 khách hàng nhận lương qua thẻ tại hơn 2.000 đơn vị.

Hàng loạt ngân hàng khác cũng đua nhau giành thị phần nhân cơ hội này. Phòng dịch vụ thẻ của các ngân hàng ra sức chào mời, ngân hàng nào cũng có kế hoạch nâng cấp “hạ tầng” – máy ATM để tăng độ tiện ích cho khách hàng. Cụ thể như: Ngân hàng ACB hiện nay có gần 100 điểm đặt máy, BIDV Bank có khoảng 120 máy, Incombank có gần 50 máy, SCB Bank gần 200 máy (khu vực TPHCM), Southern Bank cũng liên minh với 18 ngân hàng (khoảng 800 máy chấp nhận thẻ), Eximbank cũng liên kết với 16 ngân hàng (hơn 1.000 máy chấp nhận thẻ)…
 
Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay đều làm thẻ và mở tài khoản miễn phí cho khách hàng. Thủ tục làm thẻ đơn giản, nhanh chóng, nếu đơn vị có yêu cầu, nhân viên của ngân hàng sẽ đem hồ sơ đến tận nơi để hướng dẫn khách hàng đăng ký làm thẻ.

Đặc biệt, nhiều ngân hàng đều có máy “cà” thẻ – POS để người sở hữu thẻ ATM và một số loại thẻ tín dụng khác sử dụng khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ… Điều đáng ghi nhận nữa là tất cả các ngân hàng phát hành thẻ ATM trong đợt “bắt buộc” này đều phổ biến để khách hàng hiểu chức năng đa dạng của thẻ ATM chứ không phải đơn thuần là “chiếc ví” đựng tiền.

Nhiều đơn vị chưa “mặn”!

Trong khi các ngân hàng tích cực vào cuộc thì nhiều đơn vị vẫn chưa triển khai, chưa “mặn” với việc nhận lương qua thẻ ATM. Chúng tôi khảo sát qua 10 người là đối tượng hưởng lương nhà nước thì được kết quả như sau: 6 người cho biết cơ quan mới thông báo, 2 người cơ quan đang triển khai thủ tục làm thẻ, 1 người chỉ nghe cơ quan nói, 1 người cơ quan đã làm thẻ cách đây 1 tháng nhưng cán bộ công nhân viên chưa sử dụng.

Tiếp tục hỏi qua 1 phường, 1 quận và 1 sở thì họ bảo rằng đang triển khai và cuối tháng 1 mới chính thức trả lương qua thẻ. 100% ý kiến cho rằng điều họ lo ngại nhất là sự kết nối giữa các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay chưa rộng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện cả nước có gần 4.000 máy ATM và có 4 liên minh gồm: Vietcombank với 18 ngân hàng khác; Sacombank và ANZ; VNBC; BankNet (do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Agribank làm đầu mối). Như vậy, khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng này có thể rút được tiền ở máy của ngân hàng khác là không nhiều, điều đó gây bất tiện. Cụ thể như ngân hàng được xếp vào loại “có mặt trên từng cây số”, về tận các xã là ngân hàng Agribank. Thế nhưng mạng của ngân hàng này hiện nay chỉ kết nối được với Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Công thương.

Để thử tính thời gian một lần/1 người rút tiền từ máy ATM, chúng tôi đứng trước máy rút tiền của Vietcombank tại tòa nhà E-town (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) khảo sát qua 10 người thì được kết quả như sau: 6 người thao tác từ lúc nhập mã PIN đến khi máy “nhả” tiền ra mất khoảng 6 phút; có 3 người thao tác còn chậm, mất gần 10 phút; có 1 người rất lúng túng trong thao tác, mất gần 15 phút.

Như vậy, tính tổng thời gian để 10 người rút được tiền phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, hiện nay, rất nhiều người là cán bộ công chức nhà nước chưa biết cách sử dụng thẻ để rút tiền từ máy ATM, nên thời gian đầu chắc chắn tại các điểm đặt máy ATM người ta sẽ phải xếp hàng dài dài để chờ!

Thêm nữa, hiện nay, tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Đông Á, ACB, Techcombank, Eximbank… mỗi ngày khách hàng rút tiền từ máy ATM không dưới 10 tỷ đồng/ngân hàng. Như vậy, khi trả lương qua tài khoản, vào những ngày cuối tháng, khách hàng sẽ “dồn” đến các máy ATM để “lãnh lương”, chắc chắn sẽ gây ùn tắc. Xem ra, việc trả lương qua thẻ chỉ thật sự tiện lợi khi khách hàng ở bất cứ nơi đâu cũng có thể rút được tiền, máy rút tiền không bao giờ bị nghẽn mạch, không bị hết tiền đột xuất và không phải chờ quá lâu.

Ngày 24-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 20/2007/CT-TTg “Về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước” từ ngày 1-1-2008. Giai đoạn 1 áp dụng trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước làm việc trong các cơ quan Trung ương, các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân các cấp tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố, thị xã, khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung. Từ ngày 1-1-2009, tiếp tục mở rộng việc trả lương qua tài khoản ở những đơn vị chưa triển khai trên phạm vi cả nước, nơi mà các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có khả năng đáp ứng việc trả lương qua tài khoản.

NGUYỄN QUÂN 

Thầy Phạm Đình Huấn - Giảng viên Khoa Giáo dục Đại cương Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng:
Ưu điểm nhiều, nhược điểm cũng... lớn

Việc trả lương qua thẻ ATM là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghiệp hóa. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình này để chi trả lương cho công dân của mình. Đây cũng là kênh quản lý tiền an toàn, thay vì giữ khư khư tiền trong túi. Tuy nhiên, vấn đề tôi lo lắng hiện nay là ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn quá ít điểm đặt máy rút tiền tự động. Hệ thống máy rút tiền tự động không chỉ hạn chế về số lượng mà hiện nay chưa có nhiều ngân hàng liên kết với nhau để khách hàng có thể rút tiền giữa các máy ATM. Vì vậy, mỗi lần có nhu cầu sử dụng tiền, người có nhu cầu phải chạy đến đúng địa điểm chấp nhận thẻ của mình.

Bác Nguyễn Văn Long (70 tuổi) - ngụ số 11/65 đường Ao Sen, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM:
Chẳng khác nào “đánh đố” chúng tôi

Là cán bộ hưu trí, từ ngày 1-1-2008, chúng tôi cũng thuộc diện được chính quyền địa phương trả lương qua thẻ ATM. Điều này đồng nghĩa với việc tôi phải mở tài khoản và quản lý mã số tài khoản đó. Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi như tôi, việc nhớ số nhà của mình còn khó huống hồ nhớ số tài khoản!? Chưa kể các máy ATM thường dùng ngoại ngữ hoặc dùng chức năng cảm ứng nên những người lớn tuổi như chúng tôi rất khó khăn trong việc sử dụng thẻ để rút tiền. Mặt khác, chẳng lẽ cứ đầu tháng lại phải chạy ra để kiểm tra xem tiền đã được chuyển vào tài khoản chưa? Điều này chẳng khác nào “đánh đố” những người lớn tuổi như chúng tôi.

Chị Nguyễn Thị Bích Vân - 132/104/72 khu phố 5, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức,TPHCM (Công nhân nhà máy Phú Thịnh- Khu công nghiệp Sóng Thần):
Không nên áp dụng đại trà

Theo ý kiến cá nhân tôi, việc trả lương qua thẻ ATM hiện nay còn nhiều điều bất cập. Trước hết, với thu nhập trên dưới triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà, tiền điện nước, chợ búa… đã “xơi” hết tháng lương của công nhân. Vì vậy, có trả lương qua thẻ hay không, mỗi đầu tháng chúng tôi cũng phải “rút sạch” để thanh toán các khoản chi phí kể trên.

Trong khi đó, theo tôi được biết, nếu sử dụng tài khoản, mỗi năm chúng tôi mất từ 50.000 đồng-100.000 đồng (tùy theo quy định của ngân hàng) để trả tiền quản lý tài khoản cho ngân hàng. Đây là khoản phí đáng kể đối với công nhân chúng tôi. Một bất cập khác đó là vòng quanh Khu công nghiệp Sóng Thần chẳng mấy nơi được lắp đặt máy rút tiền ATM. Vì vậy, việc áp dụng trả tiền qua thẻ ATM một cách đại trà trong giới công nhân là không ổn.

Chị Ngô Thị Lan Hương - ngụ 169/102/6A đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM:
Tiết kiệm được nhiều thời gian

Việc trả lương qua thẻ theo tôi có nhiều tiện ích bởi tôi không còn bận tâm đến việc cứ phải ký nhận tiền lương mỗi tháng. Hơn nữa, với công nghệ hiện đại, chỉ cần kết nối điện thoại di động với đường dây nóng của ngân hàng, bạn có thể nhận được thông tin phản hồi ngay tức khắc số tiền lương đã được chuyển vào tài khoản hay chưa hoặc số dư trong tài khoản là bao nhiêu! Tuy nhiên theo tôi, Nhà nước cần phải kích cầu hình thức thanh toán tiền qua thẻ, bởi hiện nay ngoài các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, các hãng taxi…, TPHCM không có nhiều nơi chấp nhận trả tiền qua thẻ ATM. Đây là một hạn chế đối với người sử dụng thẻ.

ĐÀO THỤY 

Tin cùng chuyên mục