Hiện nay, Open Banking đang đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng Việt Nam, mở ra cơ hội để các ngân hàng chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba thông qua các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API).
Open API là nền tảng, đóng vai trò như một cây cầu kết nối giữa ngân hàng và các đối tác, cho phép họ truy cập dữ liệu, sử dụng dịch vụ của ngân hàng một cách có kiểm soát, an toàn và bảo mật.
Việc áp dụng Open API không chỉ giúp tự động hóa quy trình tài chính, tối ưu hóa quản lý dòng tiền và nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác với đa dạng đối tác từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tính đến cuối năm 2024, OCB đã cán mốc hơn 150 Open API, số lượng khách hàng kết nối tăng 150% so với năm 2023, hiệu suất xử lý mạnh mẽ với trung bình hơn 6 triệu giao dịch/tháng, tương ứng với nhiều dịch vụ khác nhau từ cơ bản đến các nghiệp vụ chuyên biệt sẵn sàng tích hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng từ của đối tác từ nhiều ngành nghề và phân khúc.
Cụ thể, bất kỳ doanh nghiệp nào có nhu cầu quản lý tài chính nội bộ hoặc cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng đều có thể kết nối với OCB thông qua nền tảng Open API.
Chẳng hạn, thanh toán VietQR - khởi tạo mã VietQR theo từng hóa đơn hoặc cửa hàng, cho phép khách hàng thanh toán bằng tính năng quét chuyển khoản trên bất kỳ ứng dụng ngân hàng và ví điện tử nào; Xử lý chi trả lương và hóa đơn số lượng lớn tự động, ví dụ, đối tác có thể chi trả tiền hàng hóa hoặc lương chỉ bằng một lệnh API từ hệ thống của mình, không cần thao tác thủ công trên Internet Banking; Thu hộ, báo có - tính năng thanh toán nhanh chóng trong vài bước đơn giản, cung cấp báo có tức thì, giúp người thụ hưởng và đối tác nhận thông báo ngay lập tức; Liên kết ví điện tử - tự động và an toàn liên kết giữa tài khoản ngân hàng/thẻ ghi nợ nội địa và tài khoản ví điện tử, từ đó cho phép nạp/rút tiền dễ dàng và nhanh chóng; Giải pháp mở tài khoản thanh toán OCB - eKYC, mở tài khoản trực tuyến thông qua SDK (ứng dụng nhúng) hoặc Open API, giúp khách hàng mới có thể mở tài khoản OCB hoàn toàn trực tuyến mà không cần đến trực tiếp chi nhánh.
OCB hiện đã xây dựng trung tâm phân tích dữ liệu, sử dụng các thuật toán và công nghệ tiên tiến để phân tích bộ dữ liệu trong Big Data, chủ động phân tích sâu sắc về hành vi, sở thích và nhu cầu của khách hàng. Từ đó, kết hợp với việc ứng dụng Trí thông minh nhân tạo – AI, từ đó ngân hàng sẽ nắm toàn diện và sâu sắc về khách hàng, cho phép cá nhân hóa trong việc xây dựng, điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ.
Đặc biệt, ngân hàng cũng đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh tài chính xanh, cung cấp nguồn vốn cho các dự án như: năng lượng tái tạo, công trình xanh, nhà máy cung cấp nước hay nông nghiệp thông minh, nuôi trồng bền vững, tưới nhỏ giọt, lưu trữ/chứa nước. Theo số liệu thống kê đến 31-12-2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023.
Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng sự linh hoạt, nhanh chóng thích nghi với những biến động của thị trường, tính đến 31-12-2024, tổng tài sản của OCB đạt 280.712 tỷ đồng tăng 16,9% so với năm 2023.
Đặc biệt, ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng thị trường 1 đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%). Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm.
Tổng thu thuần quý 4 của OCB tăng trưởng đáng kể, đạt 3.218 tỷ, tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt, thu nhập thuần từ lãi tăng 1.323 tỷ, tương đương tăng 99,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính đến từ tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện ở mức 3,5% vào cuối năm 2024.
Thu thuần ngoài lãi của OCB trong quý 4 đạt 563 tỷ, tăng 147,9% so với quý trước. Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tăng 126 tỷ tương đương 37,4% so với cùng kỳ đến từ hoạt động chuyển đổi số hiệu quả và tăng trưởng các khoản thu phí từ dịch vụ. Tỷ lệ giao dịch qua kênh số hiện ở mức 96,2%, mức khá cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống. Lợi nhuận cả năm đạt 4.006 tỷ đồng.
Được biết, năm 2025 OCB tiếp tục tái cơ cấu danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản trị nợ, thu hồi cũng như xử lý nợ xấu. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mở rộng mô hình Ngân hàng mở và đẩy mạnh tín dụng xanh, thực hiện mục tiêu trở thành ngân hàng Xanh tiên phong tại Việt Nam.