Khủng hoảng không kéo dài
Theo thỏa thuận giữa 2 ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ, UBS sẽ trả hơn 0,54 USD/cổ phiếu của Credit Suisse, tăng hơn so với mức giá 0,27 USD vào đầu ngày giao dịch 19-3. Tuy nhiên, mức giá trên thấp hơn nhiều so với giá đóng cửa giao dịch 2,01 USD của Credit Suisse hôm 17-3. Trong khi đó, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB - ngân hàng trung ương) đã đồng ý cung cấp hạn mức thanh khoản 100 tỷ USD cho Credit Suisse như một phần của thỏa thuận.
Trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa tại Zurich ngày 20-3, cổ phiếu của Credit Suisse đã mất 61,95% giá trị. Giá cổ phiếu của Credit Suisse được niêm yết ở mức 0,6578 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa tại Julius Baer, trong khi giá cổ phiếu của UBS giảm 4,73%. Chuyên gia phân tích cấp cao của Ngân hàng Swissquote Ipek Ozkardeskaya cho rằng, trong vài giờ giao dịch tiếp theo sẽ cho thấy rõ hơn liệu cuộc khủng hoảng này đã được ngăn chặn hay chưa. Theo chuyên gia này, cuộc khủng hoảng của Credit Suisse sẽ không kéo dài, bởi Credit Suisse gặp “địa chấn” là do khủng hoảng niềm tin, vốn không liên quan đến UBS. Bên cạnh đó là khả năng thanh khoản dồi dào cùng sự đảm bảo của SNB và chính phủ nước này.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài SRF, Giám đốc điều hành UBS Ralph Hamers cho rằng, UBS có thể quản lý được những rủi ro sau vụ thâu tóm Credit Suisse. Theo ông Hamers, trong bước tiếp theo, UBS sẽ cải cách ngân hàng đầu tư của Credit Suisse thành một ngân hàng đầu tư giống như của UBS để tránh gặp quá nhiều rủi ro. Giám đốc điều hành UBS khẳng định thương vụ thâu tóm mới nhất giúp đem lại sự ổn định và đảm bảo cho các khách hàng của Credit Suisse, cũng như duy trì danh tiếng của trung tâm tài chính này của Thụy Sĩ. Hiện UBS chưa có kế hoạch cụ thể đối với nhân viên tại Credit Suisse.
Cơ chế phối hợp đặc biệt
Sau thỏa thuận của UBS và Credit Suisse, lãnh đạo các ngân hàng tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Australia, Nhật Bản, Singapore lên tiếng khẳng định hệ thống ngân hàng của họ duy trì hoạt động tốt và ổn định. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một loạt ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ đã công bố cơ chế phối hợp đặc biệt để cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản của các ngân hàng, qua đó xoa dịu những lo lắng đang gây xáo trộn hệ thống ngân hàng.
Trong một tuyên bố chung, các ngân hàng trung ương trên cho biết, để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, các thể chế tài chính đang cung cấp các hoạt động bằng đồng tiền này đã nhất trí sẽ thực hiện hoạt động đáo hạn 7 ngày trên cơ sở hàng ngày, thay vì hàng tuần như hiện nay.
Tuyên bố nhấn mạnh, biện pháp này sẽ giúp các ngân hàng trung ương ngoài Mỹ tiếp cận nhiều hơn với USD. Hoán đổi tiền tệ là khuôn khổ thỏa thuận giữa các ngân hàng trung ương với mục đích trao đổi tiền tệ. Điều này cho phép ngân hàng trung ương có được các khoản ngoại tệ để phân phối cho giao dịch các ngân hàng thương mại trong nước từ các ngân hàng nước ngoài.
Các thỏa thuận này đi đến mục đích cuối cùng là một công cụ điều chỉnh tiền tệ lưu thông trong nước và quốc tế. Năm 2020, FED đã cung cấp và sau đó mở rộng cơ chế hoán đổi tương tự khi đại dịch Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt.
Tại Mỹ, theo Bloomberg, trong thư gửi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang và Tổ chức Liên minh Ngân hàng quy mô trung bình Mỹ (MBCA) đã đề nghị các cơ quan quản lý liên bang mở rộng bảo hiểm tiền gửi liên bang cho tất cả các khoản tiền gửi trong hai năm tới để tránh việc các ngân hàng bị rút tiền ồ ạt. MBCA hiện có ít nhất 110 thành viên gồm các ngân hàng có tài sản lên tới 100 tỷ USD.